TÒA ÁN NHÂN DÂN TRONG GIAI ĐOẠN TỪ THÁNG 10-2002 ĐẾN THÁNG 5/2015

        

1. Một số điểm mới cơ bản về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002.

Nhằm cụ thể hoá các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước cũng như những yêu cầu cụ thể về đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó có Tòa án nhân dân đã được đề ra trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng, đặc biệt là trong Văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng và Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02-01-2002 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, ngày 02-4-2002, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá X đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân thay thế Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992.

So với Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 có một số điểm phát triển cơ bản sau đây:

- Bỏ quy định về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở tại khoản 2 Điều 2 và quy định về chế độ cử Hội thẩm ở Tòa án nhân dân tối cao tại Điều 3 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992.

- Bổ sung Điều 11 quy định về chế độ hai cấp xét xử. Theo quy định này bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử phúc thẩm.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về cơ chế quản lý các Tòa án nhân dân địa phương và các Tòa án quân sự về tổ chức.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 16 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992 và Điều 16 Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự thì việc quản lý các Tòa án nhân dân địa phương và các Tòa án quân sự về tổ chức do Bộ trưởng Bộ Tư pháp đảm nhiệm có sự phối hợp chặt chẽ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Theo quy định tại Điều 17 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 thì Tòa án nhân dân tối cao quản lý các Tòa án nhân dân địa phương và các Tòa án quân sự về tổ chức có sự phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân địa phương và Bộ Quốc phòng.

Đây là một bước cải cách tư pháp lớn đối với Tòa án nhân dân, cụ thể hoá chủ trương về cải cách, tổ chức và đổi mới hoạt động các cơ quan tư pháp đã được khẳng định trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”.

- Bỏ quy định về Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Điều 22 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992, tức là bỏ một cơ quan có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm ở Tòa án nhân dân tối cao.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về thành phần, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại các điều 21 và 22 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002.

- Bổ sung một số nhiệm vụ và quyền hạn mới của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Do đổi mới cơ chế quản lý các Tòa án nhân dân địa phương và các Tòa án quân sự về tổ chức, đồng thời quán triệt Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị “Gắn việc theo dõi, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn với việc nhận xét, bố trí, sử dụng cán bộ; phân cấp bổ nhiệm theo hướng Chủ tịch nước chỉ bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”; do đó, trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán các Tòa án nhân dân địa phương, các Tòa án quân sự quân khu và tương đương, các Tòa án quân sự khu vực cũng như về quy định bộ máy giúp việc của các Tòa án này (Các điểm 6, 7, 11 và 12 Điều 25).

- Bỏ thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định tại Điều 26 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992 nhằm bảo đảm thống nhất với quy định trong các đạo luật khác về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước là cấp phó giúp cấp trưởng làm nhiệm vụ. Mặt khác việc bỏ quy định này là nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về thành phần, nguyên tắc hoạt động của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh với lý do bảo đảm cho Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh gồm những Thẩm phán có năng lực để thực hiện tốt nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm (Điều 29 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002).

- Bổ sung quy định “Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có bộ máy giúp việc” (khoản 1 Điều 32) tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập bộ máy giúp việc trong cơ cấu tổ chức của Tòa án cấp huyện nhằm bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án cấp này, hướng tới việc tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện.

- Tách khoản 1 Điều 37 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992 thành hai khoản: Khoản 1 quy định về tiêu chuẩn của Thẩm phán, khoản 2 quy định về tiêu chuẩn của Hội thẩm, đồng thời bổ sung hai khoản mới quy định về trách nhiệm của Thẩm phán, Hội thẩm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình (Điều 37 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002).

- Bổ sung Điều 38 quy định về sự giám sát của nhân dân đối với Thẩm phán, Hội thẩm; quy định về mối quan hệ giữa Thẩm phán, Hội thẩm với các cơ quan, tổ chức và công dân.

- Bổ sung Điều 39 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc sửa đổi Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân quy định cụ thể về thành phần của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán, mối quan hệ giữa Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán các Tòa án nhân dân địa phương.

- Sửa đổi, bổ sung Điều 38 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992 về việc phân cấp bổ nhiệm Thẩm phán và một số chức danh khác của Tòa án nhân dân địa phương (Điều 40).

- Bỏ các khoản 1 và 2 Điều 39 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992 và bổ sung quy định: “Việc quản lý Hội thẩm nhân dân và Hội thẩm quân nhân do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định”.

- Bổ sung Điều 41 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992 quy định Hội thẩm được cấp trang phục để làm nhiệm vụ xét xử.

- Bổ sung quy định mới: “Nhà nước ưu tiên phát triển công nghệ thông tin và các phương tiện khác để bảo đảm cho ngành Tòa án nhân dân thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình” (khoản 4 Điều 46).

Bên cạnh đó, để triển khai thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, ngày 04 tháng 11 năm 2002, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự thay thế Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự ngày 19 tháng 4 năm 1993, trong đó quy định cụ thể cơ cấu tổ chức của Tòa án quân sự các cấp, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định trước đây để phù hợp với các quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002.

2. Hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002

Theo Điều 127 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH 10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10; Điều 2 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân số 33/2002/QH10 và Điều 2 của Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự số 04/2002/PL-UBTVQH 11 thì ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có các Tòa án sau đây:

-  Tòa án nhân dân tối cao;

-  Các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

-  Các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

-  Các Tòa án quân sự (bao gồm Tòa án quân sự trung ương; các Tòa án quân sự quân khu và tương đương; các Tòa án quân sự khu vực);

-  Các Tòa án khác do Luật định.

Trong tình hình đặc biệt, Quốc hội có thể quyết định thành lập Tòa án đặc biệt.

Căn cứ vào nhiệm vụ và tổ chức của quân đội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể Tòa án quân sự  quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ quốc phòng.

2.1. Tòa án nhân dân tối cao

Theo quy định tại Điều 18 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, thì Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tòa án nhân dân tối cao có cơ cấu tổ chức như sau:

- Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

- Tòa án quân sự trung ương, Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, Tòa Hành chính và các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao; trong trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập các Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;

- Bộ máy giúp việc.

2.1.1. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

a) Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và là cơ quan hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật.

b) Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao gồm có Chánh án, các Phó chánh án và một số Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

c) Tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không quá 17 người. Theo Nghị quyết số 130/2002/NQ-UBTVQH thì số lượng thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối. cao là 14 người.

d) Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

- Giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng;

- Hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật;

- Tổng kết kinh nghiệm xét xử;

- Thông qua báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của các Tòa án để trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước;

- Chuẩn bị dự án luật để trình Quốc hội, dự án Pháp lệnh để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.

e) Phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia. Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.

2.1.2. Tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao

Tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao có Chánh Tòa, các Phó Chánh Tòa, thẩm phán và Thư ký Tòa án

Tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án hình sự mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị.

2.1.3. Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao

Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao có Chánh tòa, các Phó Chánh tòa, Thẩm phán và Thư ký Tòa án

Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án dân sự mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng.

2.1.4. Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao

Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao có Chánh tòa, các Phó Chánh tòa, Thẩm phán và Thư ký Tòa án

Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án kinh tế mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng.

2.1.5. Tòa hành chính  Tòa án nhân dân tối cao

Tòa Hành chính Tòa án nhân dân tối cao có Chánh Tòa, các Phó Chánh Tòa, Thẩm phán và Thư ký Tòa án

Tòa Hành chính Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án hành chính mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng.

2.1.6. Tòa Lao động Tòa án nhân dân tối cao

Tòa lao động Tòa án nhân dân tối cao có Chánh Tòa, các Phó chánh Tòa, thẩm phán và thư ký Tòa án

Tòa lao động Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án lao động mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng.

2.1.7.  Các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao

Các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao có Chánh Tòa, các Phó Chánh Tòa, Thẩm phán và Thư ký Tòa án

Các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Phúc thẩm những vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới trực tiếp bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng;

- Giải quyết khiếu nại đối với các quyết định của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

- Giải quyết khiếu nại đối với các quyết định của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc giải quyết các cuộc đình công theo quy định của pháp luật.

2.1.8. Viện Khoa học xét xử Tòa án nhân dân tối cao

Viện khoa học xét xử Tòa án nhân dân tối cao có Viện trưởng, các Phó viện trưởng và chuyên viên.

Viện khoa học xét xử Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Nghiên cứu đề tài khoa học phục vụ công tác xét xử, công tác đấu tranh và phòng ngừa tội phạm;

- Soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh do Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

- Phối hợp với Ban thư ký, các Tòa chuyên trách và các đơn vị có liên quan thuộc Tòa án nhân dân tối cao để giúp Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tổng kết kinh nghiệm xét xử;

- Soạn thảo các văn bản của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật.

- Đề xuất ý kiến, giúp lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao tham gia ý kiến vào dự thảo các văn bản pháp luật hoặc pháp quy do Chính phủ, các Bộ, các ngành hoặc các tổ chức xã hội soạn thảo.

- Nghiên cứu đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan đến hoạt động của ngành Tòa án nhân dân;

- Hợp tác với các cơ quan hữu quan nghiên cứu và quản lý các đề tài khoa học phục vụ công tác xét xử của ngành Tòa án nhân dân;

- Hệ thống hoá Luật lệ về tư pháp, quản lý thư viện cơ quan, tổ chức giới thiệu sách báo, tài liệu pháp lý cần thiết cho cán bộ trong ngành, chủ yếu cho Thẩm phán và cán bộ của Tòa án nhân dân tối cao;

2.1.9. Trường bồi dưỡng cán bộ Tòa án

Trường bồi dưỡng cán bộ Tòa án thuộc Tòa án nhân dân tối cao có Hiệu  trưởng, các Phó Hiệu trưởng, giáo viên và các cán bộ khác.

Trường bồi dưỡng cán bộ Tòa án thuộc Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Lập kế hoạch, xây dựng chương trình nội dung bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ Tòa án, trên cơ sở đó bố trí các giảng viên trong hoặc ngoài ngành Tòa án để giảng dạy theo nội dung và chương trình đã lập, để tổ chức các lớp học ngắn hạn hoặc dài hạn;

- Tham gia công tác nghiên cứu khoa học xét xử hoặc các công tác khác khi được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phân công;

- Quản lý cơ sở vật chất của Trường, quản lý học viên trong thời gian mở lớp và đảm bảo phục vụ các yêu cầu về ăn, ở cho các học viên nội trú tại trường.

2.1.10. Vụ Tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân tối cao

Vụ Tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân tối cao có Vụ Trưởng, các Phó Vụ trưởng, Chuyên viên.

Vụ Tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thực hiện các công việc sau: Quản lý tổ chức, biên chế của Tòa án nhân dân tối cao và ngành Tòa án nhân dân; quản lý và thực hiện công tác cán bộ đối với cán bộ, công chức Tòa án nhân dân tối cao; thực hiện quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân địa phương, Thẩm phán Tòa án quân sự cấp quân khu, Thẩm phán Tòa án quân sự khu vực; thực hiện thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với chức vụ Chánh án, Phó chánh án Tòa án nhân dân địa phương; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu và Tòa án quân sự khu vực; phối hợp với Hội đồng nhân dân địa phương và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý cán bộ, công chức ngành Tòa án theo các Quy chế phối hợp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua; tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với Thẩm phán, Hội thẩm nhân  dân, cán bộ, công chức của ngành Tòa án nhân dân.

- Giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao thực hiện công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong ngành Tòa án nhân dân;

- Giúp việc cho Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương.

2.1.11. Ban Thư ký Tòa án nhân dân tối cao

Ban  thư  ký Tòa án nhân dân tối cao có Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, Thẩm tra viên

Ban thư ký Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Nghiên cứu, đề xuất giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải quyết các khiếu nại đối với các Quyết định giám đốc thẩm của các Tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân tối cao;

- Giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức các phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, làm thư ký các phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

- Giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thực hiện nhiệm vụ trình Chủ tịch nước về những trường hợp người bị kết án tử hình;

- Xem xét, nghiên cứu các dự thảo quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm để trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định.

- Trong trường hợp cần thiết theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân tối trực tiếp dự thảo kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

2.1.12. Ban Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao

Ban thanh tra Tòa án nhân dân tối cao có Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và các Thẩm tra viên

Ban Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Tổ chức tiếp dân; nhận đơn, thư khiếu nại của công dân, cơ quan, tổ chức; phân loại xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển đơn thư khiếu nại đến các Tòa chuyên trách hoặc các đơn vị chức năng khác thuộc Tòa án nhân dân tối cao hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết;

- Giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tiến hành kiểm tra kết luận về công tác xét xử, công tác theo dõi thi hành án phạt tù của những Tòa án nhân dân địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo bức xúc;

- Thanh tra, giải quyết các khiếu nại, tố cáo với cán bộ, công chức trong ngành Tòa án nhân dân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kỷ luật, phẩm chất đạo đức theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

2.1.13. Vụ Kế hoạch -  tài chính

Vụ Kế hoạch - Tài chính Tòa án nhân dân tối cao có Vụ  trưởng, các Phó vụ trưởng và các cán bộ.

Vụ  Kế hoạch- Tài chính Tòa án Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Tổng hợp và lập kế hoạch tài chính cho toàn ngành Tòa án nhân dân bao gồm: Kinh phí chi quản lý hành chính, kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản, kinh phí mua sắm phương tiện làm việc, kinh phí tổ chức việc đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ, kinh phí sự nghiệp khoa học;

- Căn cứ quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của ngành Tòa án nhân dân để lập kế hoạch quản lý, sử dụng kinh phí cho các Tòa án nhân dân địa phương, các đơn vị dự toán thuộc Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

- Hướng dẫn lập và báo cáo dự toán ngân sách Nhà nước, theo dõi và kiểm tra công tác tài chính kế toán của các Tòa án nhân dân địa phương và các đơn vị dự toán thuộc Tòa án nhân dân tối cao;

- Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các Tòa án  nhân dân địa phương, các đơn vị dự toán thuộc Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của pháp luật.

2.1.14. Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao

Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao có Chánh văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng, chuyên viên và các cán bộ khác.

Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiểm tra thể thức văn bản của Tòa án nhân dân tối cao trước khi ban hành. Thực hiện công tác văn thư, lưu trữ, hành chính quản trị và các đảm bảo khác, phục vụ cho hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao;

-  Giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thực hiện công tác thi đua của ngành Tòa án nhân dân;

- Đảm bảo và quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ quan Tòa án nhân dân tối cao phục vụ cho sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đối với ngành Tòa án nhân dân.

2.1.15. Vụ Thống kê - Tổng hợp Tòa án nhân dân tối cao

Vụ Thống kê - Tổng hợp có Vụ trưởng, các Phó vụ trưởng và chuyên viên.

Vụ Thống kê - Tổng hợp Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Thực hiện chế độ báo cáo thống kê tổng hợp trong ngành Tòa án nhân dân, thu thập thông tin thống kê đối với những chỉ tiêu thống kê quốc gia mà Tòa án nhân dân tối cao được phân công thực hiện và các chỉ tiêu thống kê của ngành Tòa án nhân dân. Giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành chế độ báo cáo thống kê cơ sở để thu thập thông tin thống kê đối với những chỉ tiêu thống kê quốc gia và chỉ tiêu thống kê thuộc ngành Tòa án nhân dân;

- Thực hiện công tác tổng hợp, thống kê giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo Chủ tịch nước và các báo cáo khác với cơ quan Đảng, Nhà nước;

- Xây dựng và thực hiện chương trình điều tra thống kê trong ngành Tòa án nhân dân;

- Phân tích nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm các loại tranh chấp... và kiến nghị giải pháp với các cơ quan có thẩm quyền. Cung cấp thông tin phục vụ các nhu cầu khác như nghiên cứu khoa học, đấu tranh, phòng chống tội phạm, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

2.1.16. Vụ Hợp tác quốc tế Tòa án nhân dân tối cao

Vụ Hợp tác quốc tế có Vụ trưởng, các Phó Vụ trưởng và chuyên viên.

Vụ Hợp tác quốc tế Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Là đầu mối quản lý công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế về tư pháp của ngành Tòa án nhân dân tối cao; giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo dõi, quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra các hoạt động hợp tác quốc tế về tư pháp của ngành Tòa án nhân dân; làm nhiệm vụ phát ngôn về đối ngoại của ngành Tòa án nhân dân.

- Tiếp nhận hồ sơ, tài liệu liên quan đến hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng để chuyển đến các đơn vị có thẩm quyền trong ngành Tòa án nhân dân để giải quyết theo quy định của pháp luật; giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo dõi, quản lý các đơn vị trong ngành Tòa án nhân dân giải quyết các vụ việc liên quan đến hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng. Phối hợp với các đơn vị trong ngành Tòa án nhân dân tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế; giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quản lý, theo dõi, triển khai thực hiện các chương trình các dự án quốc tế tài trợ cho ngành Tòa án nhân dân; tiếp nhận, tổ chức, biên dịch các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến hoạt động hợp tác quốc tế của ngành Tòa án nhân dân.

- Nghiên cứu, đề xuất với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phương hướng, kế hoạch hợp tác quốc tế về tư pháp của ngành Tòa án nhân dân với nước ngoài; định kỳ báo cáo kết quả công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế về tư pháp của ngành Tòa án nhân dân; theo dõi, quản lý đoàn ra, đoàn vào.

2.1.17. Tạp chí Tòa án nhân dân

Tạp chí Tòa án nhân dân có Tổng Biên tập, các Phó Tổng Biên tập, phóng viên, Biên tập viên.

Tạp chí Tòa án nhân dân có nhiệm vụ và quyền hạn: Thông tin pháp lý và hoạt động của ngành Tòa án nhân dân.

2.1.18. Báo Công lý

Báo Công lý có Tổng Biên tập, các Phó Tổng Biên tập, phóng viên, Biên tập viên.

Báo Công lý là cơ quan của Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ và quyền hạn: Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thông tin hoạt động xét xử của ngành Tòa án, hoạt động của các Tòa án và hoạt động của các cấp, ngành liên quan đến lĩnh vực Tòa án; tuyên  truyền, giáo dục ý thức pháp luật trong nhân dân, góp phần bảo vệ kỷ cương, pháp luật và công bằng xã hội.

2.1.19. Vụ Thi đua - Khen thưởng

Căn cứ Nghị quyết số 522/a/NQ-UBTVQH13 ngày 13 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, ngày 26/12/2012, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ký Quyết định số 3199/QĐ-TCCB thành lập Vụ Thi đua - Khen thưởng thuộc bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao. Vụ Thi đua - Khen thưởng có Vụ trưởng và các Phó Vụ trưởng, có Phòng Thi đua - Khen thưởng và Phòng Tuyên truyền - Truyền thống.

Vụ Thi đua - Khen thưởng có chức năng tham mưu, giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân tổ chức thực hiện và thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng trong hệ thống Tòa án nhân dân.

2.2 Các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Theo quy định tại Điều 27 Luật tổ chức Tòa án nhân dân, thì cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm có:

- Ủy ban Thẩm phán;

- Tòa Hình sự, Tòa dân sự, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa hành chính; trong trường hợp cần thiết Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập các Tòa chuyên trách khác theo đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;

-  Bộ máy giúp việc.

- Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Chánh án, các Phó Chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án.

2.2.1. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

a) Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm có:

Chánh án, các Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; một số thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tổng số thành viên Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không quá chín người.

b) Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

- Giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng nghị;

- Bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật tại Tòa án cấp mình và các Tòa án cấp dưới;

- Tổng kết kinh nghiệm xét xử;

- Thông qua báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác của các Tòa án ở địa phương để báo cáo trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và với Tòa án nhân dân tối cao.

c) Phiên họp của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia. Quyết định của Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.

2.2.2. Tòa hình sự Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Tòa Hình sự Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Chánh Tòa,  Phó Chánh Tòa, Thẩm phán và Thư ký Tòa án

Tòa Hình sự Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Xét xử sơ thẩm những vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng;

- Phúc thẩm những vụ án hình sự mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp dưới bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng.

2.2.3. Tòa dân sự Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Chánh Tòa, các Phó Chánh Tòa, Thẩm phán và Thư ký Tòa án

Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Xét xử sơ thẩm những vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng;

- Phúc thẩm những vụ án dân sự mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp dưới bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng.

2.2.4. Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

- Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Chánh Tòa, các Phó Chánh Tòa, Thẩm phán và Thư ký Tòa án

Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Xét xử sơ thẩm những vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng;

- Phúc thẩm những vụ án kinh tế mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp dưới bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng.

- Giải quyết việc phá sản doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

2.2.5. Tòa Hành chính Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Tòa Hành chính Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Chánh Tòa, các Phó Chánh Tòa, Thẩm phán và Thư ký Tòa án

Tòa Hành chính Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Xét xử sơ thẩm những vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng;

- Phúc thẩm những vụ án hành chính mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp dưới bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng.

2.2.6. Tòa Lao động Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

Tòa Lao động Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Chánh Tòa, các Phó Chánh Tòa, Thẩm phán và Thư ký

Tòa Tòa lao động Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Xét xử sơ thẩm những vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng;

- Phúc thẩm những vụ án Lao động mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp dưới bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng.

- Giải quyết các cuộc đình công theo quy định của pháp luật.

2.2.7. Bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác văn phòng, tổ chức cán bộ, tiếp dân, nhận đơn thư khiếu nại kiểm tra việc xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện...

2.3. Các Tòa án nhân dân cấp huyện (Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh).

Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có Chánh án, một hoặc hai Phó Chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án.

Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có bộ máy giúp việc.

Tòa án nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền sơ thẩm những vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng.

2.4. Các Tòa án quân sự.

Các Tòa án quân sự được tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam để xét xử những vụ án mà bị cáo là quân nhân tại ngũ và những vụ án khác theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 2 Pháp lệnh Tổ chức Tòa án quân sự thì ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có các Tòa án quân sự sau đây:

- Tòa án quân sự trung ương;

- Các Tòa án quân sự quân khu và tương đương;

- Các Tòa án quân sự khu vực.

Tòa án quân sự trung ương thuộc cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao.

2.4.1. Tòa án quân sự trung ương

a) Cơ cấu tổ chức của Tòa án quân sự trung ương

Theo quy định tại Điều 21 Pháp lệnh Tổ chức Tòa án quân sự  thì cơ cấu tổ chức của Tòa án quân sự trung ương gồm có:

- Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương;

- Các Tòa phúc thẩm  Tòa án quân sự trung ương;

- Bộ máy giúp việc.

Tòa án quân sự trung ương có Chánh án, các Phó Chánh án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án. Chánh án Tòa án quân sự Trung ương là Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

b) Tòa án quân sự trung ương có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

- Phúc thẩm những vụ án hình sự mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của các Tòa án quân sự cấp dưới trực tiếp bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng;

- Giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án hình sự mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án quân sự cấp dưới bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng;

- Giám đốc việc xét xử của các Tòa án quân sự cấp dưới.

c) Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương

Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương gồm có Chánh án, các Phó Chánh án Tòa án quân sự trung ương và một số Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án quân sự trung ương.

Tổng số thành viên Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương không quá 7 người.

Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương có những nhiệm vụ quyền hạn sau đây:

- Căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể việc áp dụng thống nhất pháp luật tại các Tòa án quân sự;

- Tổng kết kinh nghiệm xét xử của các Tòa án quân sự;

- Thông qua Báo cáo của Chánh án Tòa án quân sự trung ương về công tác của các Tòa án quân sự để báo cáo với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Phiên họp của Ủy ban Thẩm Tòa án quân sự trung ương phải có ít nhất hai phần ba tổng số các thành viên tham gia. Quyết định của Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.

2.4.2. Tòa án quân sự quân khu và  tương đương

a. Cơ cấu tổ chức của Tòa án quân sự quân khu và tương đương:

Theo quy định tại Điều 25 Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự thì cơ cấu tổ chức của Tòa án quân sự quân khu và tương đương gồm có:

- Ủy ban thẩm phán;

- Bộ phận giúp việc.

Tòa án quân sự quân khu và tương đương có Chánh án, các Phó Chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm quân nhân, Thư ký Tòa án.

b. Tòa án quân sự quân khu và tương đương có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự không thuộc thẩm quyền của các Tòa án quân sự khu vực và những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của các Tòa án khu vực nhưng Tòa án quân sự quân khu và tương đương lấy lên để xét xử;

- Phúc thẩm những vụ án hình sự mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp dưới bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng;

- Giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án hình sự mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp dưới bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng;

- Giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật.

a) Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự quân khu và tương đương gồm có Chánh án, các Phó Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương và một số Thẩm phán Tòa án quân sự quân khu và tương đương được Chánh án Tòa án quân sự trung ương quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương.

Tổng số thành viên Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự quân khu và tương đương không quá năm người.

Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự quân khu và tương đương có những nhiệm vụ và quyền  hạn sau đây:

- Giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án hình sự mà bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án quân sự cấp dưới trực tiếp bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng;

- Bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật tại Tòa án quân sự cấp mình và các Tòa án quân sự cấp dưới;

- Tổng kết kinh nghiệm xét xử;

- Thông qua báo cáo của Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương về công tác của các Tòa án quân sự trong quân khu và tương đương để báo cáo với Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Tư lệnh quân khu và tương đương.

Phiên họp của Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự quân khu và tương đương phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia. Quyết định của Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự quân khu và tương đương phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.

2.4.3. Tòa án quân sự khu vực

Tòa án quân sự khu vực có Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm quân nhân, Thư ký Tòa án.

Tòa án quân sự khu vực có bộ máy giúp việc.

Tòa án quân sự khu vực có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm theo quy định của Bộ luật tố tụng  hình sự mà bị cáo khi phạm tội hoặc khi bị khởi tố có quân hàm từ Trung tá trở xuống hoặc là người có chức vụ từ Trung đoàn trưởng hoặc tương đương trở xuống; hoặc giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật.

3. Toà án nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp

Vào cuối những năm 1990 của thế kỷ trước và đầu năm 2000, trong lĩnh vực tư pháp có rất nhiều việc bức xúc, tồn đọng, yếu kém kéo dài. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 53-CT/TW, ngày 21-3-2000 “Về một số việc cấp bách của các cơ quan tư pháp cần thực hiện trong năm 2000”. Thực hiện Chỉ thị này, các cơ quan tư pháp đã giải quyết được một số việc bức xúc cụ thể, tạo bước khởi đầu quan trọng cho nhiệm vụ cải cách tư pháp. Tuy nhiên Chỉ thị 53-CT/TW chỉ mới đề cập một số việc cần phải thực hiện trong hai năm 2000 và 2001.

 Để công tác tư pháp có chuyển biến thực sự về chất, tạo cơ sở vững chắc cho công cuộc cải cách tư pháp, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02-01-2002 “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”. Thông qua việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết, các c� quan Nhà nước đã tạo ra được một số chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương về tính cấp thiết và yêu cầu khách quan của việc đẩy mạnh cải cách tư pháp, từ đó đã phát huy và đề cao trách nhiệm trong việc chỉ đạo, huy động lực lượng, tổ chức thực hiện những hoạt động cụ thể của nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Thực tiễn đất nước ta đặt ra những yêu cầu cải cách tư pháp sâu rộng; phải làm lâu dài, một cách cơ bản. Do vậy, ngày 02-6-2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 49-NQ/TW “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị là sự kế thừa, phát triển lên một tầm cao mới Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác tư pháp; thể hiện quyết tâm sâu sắc của Đảng ta quyết tâm thực hiện cải cách cơ bản, sâu rộng nền tư pháp nước nhà: Nền tư pháp Việt Nam là nền tư pháp xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, vì nhân dân, phục vụ nhân dân. Công tác tư pháp phải quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng. Cải cách tư pháp phải tiến hành đồng bộ với đổi mới lập pháp và cải cách hành chính. Các cơ quan tư pháp phải kiên quyết đấu tranh với các hành vi chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và không được gây nên oan, sai. Cải cách tư pháp phải gắn bó, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mở rộng hội nhập quốc tế.

Nghị quyết 49-NQ/TW nêu rõ: “Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp’’. Trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân. Cụ thể là: Tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, gồm: Tòa án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện; Tòa án phúc thẩm có nhiệm vụ chủ yếu là xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ án; Tòa thượng thẩm được tổ chức theo khu vực có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm; Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Việc thành lập Tòa chuyên trách phải căn cứ vào thực tế xét xử của từng cấp Tòa án, từng khu vực. Đổi mới tổ chức Tòa án nhân dân tối cao theo hướng tinh gọn với đội ngũ Thẩm phán là những chuyên gia đầu ngành về pháp luật, có kinh nghiệm trong ngành.

Nghiên cứu, xác định hợp lý phạm vi thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo hướng chủ yếu xét xử những vụ án về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, những vụ án liên quan đến bí mật quân sự…

Đổi mới việc tổ chức phiên Tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên Tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”.

Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao đã xác định nhiệm vụ Tòa án nhân dân trong việc thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến 2020” như sau:

Tham gia vào việc “Hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, phát luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp”. Cụ thể là: Chủ động nghiên cứu, đề xuất các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung hoặc quy định mới trong chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp theo tinh thần và nội dung của Chiến lược cải cách tư pháp; chủ trì, phối hợp xây dựng các văn bản pháp luật về các lĩnh vực này khi phân công.

Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy của Tòa án nhân dân. Cụ thể là: Đề xuất, xây dựng cơ sở pháp lý về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Tòa án các cấp, trên cơ sở đó đề xuất mô hình tổ chức, bộ máy của Tòa án mỗi cấp và chuẩn bị đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện việc tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, kể cả đối với Tòa án quân sự; đổi mới việc tổ chức các phiên Tòa xét xử, nâng cao chất lượng tranh tụng theo hướng đảm bảo tính hiệu quả, công khai, dân chủ, nghiêm minh theo tinh thần cải cách tư pháp và quy định của pháp luật tố tụng tư pháp.

Xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án trong sạch, vững mạnh theo hướng đề cao quyền hạn, trách nhiệm pháp lý, nâng cao và cụ thể hoá về tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức xã hội đối với Thẩm phán, Thư ký Tòa án và Thẩm tra viên; mở rộng nguồn bổ nhiệm thẩm phán; cải cách quy trình tuyển chọn và tăng thời hạn nhiệm kỳ bổ nhiệm đối với Thẩm phán.

Xây dựng cơ sở vật chất đầy đủ và từng bước hiện đại cho hoạt động xét xử. Cụ thể là: Triển khai xây dựng mới, nâng cao, cải tạo trụ sở tòa án các cấp phù hợp với mô hình hệ thống tổ chức Tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp; trang bị phương tiện kỹ thuật làm việc tiên tiến cho các Tòa án trong phạm vi kinh phí được cấp từ ngành sách trung ương.

Tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với hoạt động của Tòa án.

Chủ động hoặc phối hợp thực hiện việc tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp; nâng cao trình độ về pháp luật quốc tế và ngoại ngữ cho cán bộ Tòa án để tham gia có hiệu quả vào việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân Việt Nam.

Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao vai trò của các tổ chức Đảng trong Tòa án đối với hoạt động của Tòa án.

Căn cứ chương trình trọng tâm công tác tư pháp các năm 2009-2010 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng Chương trình trọng tâm công tác tư pháp của ngành Tòa án nhân dân trong các năm 2009-2010 với nội dung là xây dựng các đề án sau đây:

1. Đề án thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực, Tòa án phúc thẩm, Tòa án thượng thẩm, đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao.

2. Đề án mở rộng nguồn, cải cách quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và tăng thời hạn bổ nhiệm Thẩm phán.

3. Đề án nâng cao năng lực Trường Cán bộ Tòa án.

4. Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng bồi dưỡng Hội thẩm nhân dân.

5. Đề án quy hoạch tổng thể phát triển ngành Tòa án nhân dân đến năm 2020.

6. Đề án trao đổi, đào tạo Thẩm phán với một số nước có nền tư pháp tiên tiến nhằm tăng cường năng lực ngoại ngữ, kiến thức tư pháp phục vụ hội nhập quốc tế


CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Địa chỉ : 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: 04.62741133 - Fax :
Email: banbientap@toaan.gov.vn, tatc@toaan.gov.vn.
Quyền Trưởng Ban biên tập: Phạm Quốc Hưng - Chánh Văn phòng - TANDTC.

Giấy phép cung cấp thông tin trên internet số 184/GP-TTÐT của Bộ thông tin và Truyền thông.
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử TANDTC (www.toaan.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.

Bản quyền thuộc Trung tâm tin học Tòa án nhân dân tối cao