1. Tại Hội nghị lần thứ 14 (tháng 11 năm 1958) Ban chấp hành Trung ương Đảng đã chủ trương tăng cường Nhà nước dân chủ nhân dân và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền các cấp từ trung ương đến cơ sở. Trong tình hình chung đó bộ máy nhà nước nói chung, Toà án nhân dân nói riêng được tăng cường và cải cách thêm một bước mới. Tại khoá họp lần thứ tám, tháng 4-1958 Quốc hội quyết định thành lập Toà án nhân dân tối cao và Viện công tố nhân dân trung ương, tách hệ thống Toà án nhân dân và Viện công tố khỏi Bộ Tư pháp.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Theo luật này, đơn vị hành chính cấp khu ở đồng bằng và trung du được bãi bỏ. Do đó, ngày 14-8-1959 chính phủ đã ra Nghị định số 300- TTg tổ chức lại các Toà án nhân dân phúc thẩm, sáp nhập 6 Toà án nhân dân phúc thẩm thành 3 Toà án nhân dân phúc thẩm: Hà Nội, Hải Phòng, Vinh.
Quản hạt của TAND phúc thẩm Hà Nội gồm thành phố Hà Nội và các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Hoà Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai.
Quản hạt của TAND phúc thẩm Hải Phòng gồm thành phố Hải Phòng, khu Hồng Quảng và các tỉnh Hải Ninh, Kiến An.
Quản hạt của TAND phúc thẩm Vinh gồm các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, hà Tĩnh, Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh.
Thông tư số 92- TC của liên Ngành Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao ngày 11-11-1959 giải thích và quy định cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn của các Toà án nhân dân phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng và Vinh, nêu rõ:
“Sau khi bỏ các khu hành chính ở đồng bằng và trung du, hướng tổ chức của các Toà án là: dần dần xây dựng TAND huyện thành TAND sơ thẩm, xây dựng TAND tỉnh thành TAND phúc thẩm để đi tới bỏ các TAND phúc thẩm khu. Trong khi chưa xây dựng được các TAND huyện thành TAND sơ thẩm, TAND tỉnh chưa trở thành TAND phúc thẩm thì vẫn cần phải giữ lại cấp TAND phúc thẩm hiện nay. Tuy nhiên để làm cho tổ chức của các TAND phúc thẩm được gọi là hợp lý, Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị định dồn 6 TAND phúc thẩm cũ ở đồng bằng và trung du thành 3 TAND phúc thẩm... TAND phúc thẩm chuyên trách công việc xét án không phụ trách công việc lãnh đạo về chương trình kế hoạch, quản lý cán bộ, hướng dẫn về đường lối.
... Trong việc xử án, thì chủ yếu là công việ xử phúc thẩm.
Nhiệm vụ chỉ đạo công tác xét xử của các TAND tỉnh và thành phố này tập trung vào TANDTC...
...
a) TAND phúc thẩm chỉ đạo công việc xét xử của các TAND cấp dưới thông qua án lệ của mình.
Ngày 20-10-1959, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 381-TTg quy định nhiệm vụ và quyền hạn của TANDTC, cụ thể như sau:
“Điều 1. – Toà án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất.
Toà án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các Toà án nhân dân địa phương và Toà án Quân sự các cấp.
Nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Toà án nhân dân tối cao là:
1. Xử sơ thẩm, chung thẩm những vụ án mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân tối cao và những vụ án mà đặc biệt Viện Công tố trung ương hoặc Toà án nhân dân tối cao thấy phải do Toà án nhân dân tối cao xét xử.
2. Xử phúc thẩm chung thẩm những vụ án do Toà án cấp dưới xử sơ thẩm trong các trường hợp có kháng nghị của Cơ quan công tố hoặc của đương sự.
3. Xử lại hoặc chỉ thị cho Toà án cấp dưới xử lại những vụ án đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có sai lầm.
4. Duyệt lại các án tử hình.
Ngoài ra Toà án nhân dân tối cao có nhiệm vụ:
1. Nghiên cứu đường lối chính sách xét xử.
2. Nghiên cứu các đạo luật về hình sự và dân sự, hướng dẫn các Toà án áp dụng pháp luật, đường lối chính sách, thi hành các thủ tục hình sự và dân sự, vạch chương trình công tác, kiểm tra công tác xét xử, tổng kết kinh nghiệm công tác xét xử của Toà án các cấp.
3. Quản lý cán bộ và biên chế Ngành Toà án theo chế độ phân cấp quản lý cán bộ và biên chế.
Điều 2. – Toà án nhân dân tối cao có Chánh án, các Phó Chánh án và Thẩm phán.
Chánh án, các Phó Chánh án và Thẩm phán lập thành Uỷ ban Thẩm phán, chịu trách nhiệm về việc giải quyết những vấn đề quan trong thuộc công tác của Toà án nhân dân tối cao.
Điều 3. – Tổ chức Toà án nhân dân tối cao gồm cáo:
- Toà Hình sự 1
- Toà Hình sự 2
- Toà Dân sự
- Toà Quân sự
- Văn phòng
và một số phòng giúp việc do Chánh án Toà án nhân dân tối cao thành lập sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.
...”.
Ngày 31-11-1959, Quốc hội khoá I, kỳ họp thứ 11 đã thông qua Hiến pháp mới của Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (công bố ngày 01-01-1960). Về tổ chức bộ máy nhà nước nói chung thì những quy định trong Hiến pháp năm 1959 có những sửa đổi căn bản so với những quy định trong Hiến pháp năm 1946. Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Phó Chủ tịch nước được tách ra khỏi Hội đồng Chính phủ và có quyền thay mặt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về mặt đối nội và đối ngoại. Hội đồng Chính phủ là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Theo quy định tại Chương VIII của Hiến pháp năm 1959 thì có thể hiểu rằng các cơ quan tư pháp là “Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân”. Hai hệ thống cơ quan tư pháp này không còn trực thuộc Hội đồng Chính phủ mà chịu trách nhiệm và báo cáo trước cơ quan quyền lực nhà nước đó là Quốc hội.
Hệ thống Toà án nhân dân theo Hiến pháp năm 1959 bao gồm Toà án nhân dân tối cao, các Toà án nhân dân địa phương, các Toà án quân sự. Trong trường hợp cần xét xử những vụ án đặc biệt, Quốc hội có thể quyết định thành lập Toà án đặc biệt (Điều 97).
Căn cứ vào các quy định của Hiến pháp năm 1959 về tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân, ngày 14-7-1960, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khoá II, kỳ họp thứ nhất đã thông qua Luật tổ chức Toà án nhân dân.
Theo Điều 2 Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1960 thì “các Toà án nhân dân gồm có: Toà án nhân dân tối cao, các Toà án nhân dân địa phương, các Toà án quân sự” và “Các Toà án nhân dân địa phương gồm có: Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương, Toà án nhân dân ở các khu vực tự trị”. “ở các khu vực tự trị, tổ chức các Toà án nhân dân địa phương sẽ do Hội đồng nhân dân khu vực tự trị quy định, căn cứ vào Điều 95 của Hiến pháp và những nguyên tắc tổ chức Toà án nhân dân trong luật này” (Điều 2). Điều đáng lưu ý là trong Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1960 chỉ quy định có tính chất nguyên tắc về thẩm quyền của các Toà án nhân dân các cấp, mà không quy định cụ thể về tổ chức của Toà án nhân dân mỗi cấp. Trong đạo luật này cũng chỉ quy định có tính chất nguyên tắc về chế độ bầu cử Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân mà cũng không quy định về tiêu chuẩn của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân.
“Để kiện toàn Toà án nhân dân các cấp, tăng cường tính chất nhân dân của tổ chức Toà án nhân dân và bảo đảm cho việc xét xử được chính xác và đúng pháp luật” ngày 23-3-1961 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức của Toà án nhân dân tối cao và tổ chức của các Toà án nhân dân địa phương. Theo quy định tại Điều 1 của Pháp lệnh thì “Toà án nhân dân tối cao gồm có Chánh án, một hoặc nhiều Phó Chánh án, các Thẩm phán và Thẩm phán dự khuyết. Toà án nhân dân tối cao có những tổ chức sau đây: Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; các Toà chuyên trách của Toà án nhân dân tối cao: các Toà hình sự, Toà dân sự và Toà quân sự; Toà phúc thẩm của Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng toàn thể Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao”. Trong Pháp lệnh này cũng đã quy định một cách cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi tổ chức tương ứng. Mặc dù trong cơ cấu tổ chức của Toà án nhân dân tối cao Pháp lệnh không quy định cụ thể bộ máy giúp việc, nhưng theo quy định tại Điều 6 của Pháp lệnh và thực tiễn tổ chức của Toà án nhân dân tối cao trong thời gian này cho thấy còn có bộ máy giúp việc như Văn phòng, các Vụ tổ chức, tổng hợp, nghiên cứu pháp luật v.v... Điều đáng lưu ý là theo Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1960 và Pháp lệnh ngày 23-3-1961 nói trên thì Chánh án Toà án nhân dân tối cao do Quốc hội bầu ra và bãi miễn. Nhiệm kỳ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao là năm năm. Còn Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm phán dự khuyết và Uỷ viên Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao do Uỷ ban thường vụ Quốc hội bổ nhiệm và bãi miễn theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Một đặc thù theo quy định của Pháp lệnh ngày 23-3-1961 nói trên, thì “Hội đồng toàn thể Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có nhiệm vụ duyệt lại các bản án tử hình của Toà án nhân dân các cấp, căn cứ vào Điều 9 của Luật tổ chức Toà án nhân dân (năm 1960)” (Điều 5).
Đối với Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương, thì theo Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1960, Pháp lệnh ngày 23-3-1961 nói trên gồm có Chánh án, một hoặc nhiều Phó Chánh án và các Thẩm phán. Trong cơ cấu tổ chức không chia thành các Toà chuyên trách như Toà án nhân dân tối cao mà chỉ có Uỷ ban Thẩm phán. “Chánh án, Phó Chánh án và các Thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra và bãi miễn. Nhiệm kỳ của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương là bốn năm. Uỷ viên Uỷ ban Thẩm phán của các Toà án nhân dân nói trên do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra và bãi miễn” (Điều 27 Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1960).
Ngoài chức năng, nhiệm vụ xét xử “Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương có nhiệm vụ xây dựng tổ chức tư pháp ở địa phương, huấn luyện thư ký cho Toà án địa phương, huấn luyện cán bộ tư pháp cho thị trấn và xã, và tổ chức việc tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân” (Điều 9 Pháp lệnh ngày 23-3-1961).
Theo Luật và Pháp lệnh nói trên thì “Toà án nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh, thị xã hoặc đơn vị hành chính tương đương gồm có Chánh án và Thẩm phán, nếu cần thiết thì có Phó Chánh án”. Toà án này có thẩm quyền: “a) Hoà giải những việc tranh chấp về dân sự; b) Phân xử những việc hình nhỏ không phải mở phiên toà; c) Sơ thẩm những vụ án dân sự; sơ thẩm những vụ án hình sự có thể phạt từ hai năm tù trở xuống”. Ngoài ra, còn có nhiệm vụ xây dựng tổ chức tư pháp và hướng dẫn công tác hoà giải ở các thị trấn và xã, tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân.
Về quản lý các TAND địa phương, Điều 23 Luật Tổ chức TAND quy định: “... Bộ máy làm việc và biên chế của các TAND địa phương các cấp do TANDTC hướng dẫn thực hiện theo quy định chung về bộ máy làm việc và biên chế của Cơ quan Nhà nước” và Điều 14 Pháp lệnh ngày 23-3-1961 quy định: “Tổ chức cụ thể của bộ máy làm việc và biên chế cụ thể của các Toà án nhân dân địa phương các cấp do Chánh án Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện theo những quy định chung về bộ máy làm việc và biên chế của các cơ quan nhà nước. Tổng biên chế của các Toà án nhân dân địa phương các cấp do Chánh án Toà án nhân dân tối cao định và trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn”.
Căn cứ vào Điều 95 Hiến pháp năm 1959 và Điều 2 Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1960, ngày 9-4-1963 Hội đồng nhân dân khu tự trị Tây Bắc đã ban hành Điều lệ “quy định cụ thể về tổ chức của Toà án nhân dân các cấp trong khu tực trị Tây Bắc”. Điều lệ này đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn tại Quyết định số 185-TVQH ngày 9-7-1963. Theo Điều 1 của bản Điều lệ này thì “các Toà án nhân dân trong khu tự trị Tây Bắc gồm có: Toà án nhân dân khu; các Toà án nhân dân tỉnh; các Toà án nhân dân thị xã và huyện”. Tại khu tự trị Việt Bắc, Hội đồng nhân dân khu tự trị Việt Bắc cũng đã ban hành Điều lệ “quy định cụ thể về tổ chức của Toà án nhân dân các cấp trong khu tự trị Việt Bắc”. Điều lệ này đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn tại Quyết định số 157-NQ-TVQH ngày 2-3-1963. Theo Điều 1 của bản Điều lệ này thì “các Toà án nhân dân trong khu tự trị Việt Bắc gồm có: Toà án nhân dân khu; các Toà án nhân dân tỉnh; các Toà án nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã và huyện”.
Ngoài chức năng, nhiệm vụ xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Toà án nhân dân khu có nhiệm vụ xây dựng tổ chức tư pháp trong khu và tổ chức việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân; mở lớp huấn luyện Thẩm phán Toà án nhân dân thị xã, huyện và Thư ký Toà án để góp phần đào tạo cán bộ địa phương theo chính sách dân tộc của Nhà nước. Đối với Toà án nhân dân tỉnh có nhiệm vụ xây dựng tổ chức tư pháp ở địa phương, huấn luyện cán bộ tư pháp cho thị trấn và xã, tổ chức việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân; Toà án nhân dân thị xã và huyện có nhiệm vụ xây dựng tổ chức tư pháp và hướng dẫn công tác hoà giải ở thị trấn và xã, tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân.
Về cơ cấu tổ chức của Toà án nhân dân khu và các Toà án nhân dân tỉnh gồm có Chánh án, một hoặc nhiều Phó Chánh án và các Thẩm phán. Toà án nhân dân khu và các Toà án nhân dân tỉnh có Uỷ ban Thẩm phán gồm có Chánh án, Phó Chánh án và một số Thẩm phán. Toà án nhân dân thị xã và huyện gồm có Chánh án và Thẩm phán, nếu cần thiết thì có Phó Chánh án.
Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm của các Toà án nhân dân các cấp trong khu gồm có một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân; trong trường hợp xử những vụ án mà đương sự hoặc bị can thuộc nhiều thành phần dân tộc khác nhau thì thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm của Toà án nhân dân có thể gồm có một Thẩm phán và bốn Hội thẩm nhân dân.
Thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có ba Thẩm phán; khi cần thiết thì có thể có thêm hai hoặc bốn Hội thẩm nhân dân. Về các chức vụ Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán của các Toà án nhân dân trong khu tự trị do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra và bãi miễn. Nhiệm kỳ của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán Toà án nhân dân khu và Toà án nhân dân tỉnh là bốn năm, còn Toà án nhân dân thị xã và huyện là ba năm. Đối với thành viên Uỷ ban Thẩm phán của Toà án nhân dân khu và Toà án nhân dân tỉnh do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra và bãi miễn.
Đối với Hội thẩm nhân dân của các Toà án nhân dân các cấp trong khu do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra và bãi miễn. Nhiệm kỳ của các Hội thẩm nhân dân là hai năm. Danh sách Hội thẩm nhân dân của các Toà án nhân dân các cấp trong khu tự trị cần phản ánh thích đáng các thành phần dân tộc trong quản hạt của Toà án.
- Ngày 27-12-1975 Quốc hội khoá V kỳ họp thứ hai đã ra Nghị quyết “về việc cải tiến các đơn vị hành chính”, bỏ cấp khu tự trị trong hệ thống các đơn vị hành chính. Do đó, TAND khu tự trị Việt Bắc và TAND khu tự trị Tây Bắc được giải thể.
Căn cứ vào Hiến pháp mới được Quốc hội thông qua ngày 31-12-1959 và Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1960, ngày 21-2-1961 Bộ Tổng tham mưu ra Quyết định số 165 quy định tạm thời tổ chức biên chế của ngành Toà án quân sự như sau: “Hệ thống Toà án quân sự bao gồm: Toà án quân sự trung ương và các Toà án quân sự ở cấp quân khu, quân binh chủng, sư đoàn trực thuộc Bộ và tương đương. Về quân số Toà án quân sự trung ương có 15 người, Toà án quân sự quân khu, quân binh chủng và tương đương có từ 7 đến 9 người, Toà án quân sự sư đoàn trực thuộc Bộ và tương đương có 6 người”.
Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất nhưng chưa thống nhất về mặt Nhà nước, ngày 15-5-1976 Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ban hành sắc luật số 01/SL-76 quy định về Tổ chức TAND và Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân. Tiếp đó, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ra quyết định số 29-QĐ-76 ngày 27-5-1976 thành lập Toà án nhân dân đặc biệt để xét xử các tên tư bản mại bản phạm tội lũng đoạn, đầu cơ tích trữ, phá rối thị trường. Và sau đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ra Quyết định số 181-NQ/QHK 6 ngày 23-01-1978 giao cho Toà án nhân dân đặc biệt xét xử những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng về trật tự xã hội xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh như: Giết người, cướp của tống tiền, bắt cóc, đốt nhà, tổ chức lưu manh trộm cắp, hiếp dâm. (Toà án nhân dân đặc biệt đã được giải thể theo Nghị quyết số 720- NQ-HĐND 7 ngày 01-4-1986 của Hội đồng Nhà nước).
Sau cuộc tổng tuyển cử tháng 4 năm 1976, nước ta thống nhất về mặt Nhà nước và lấy tên là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong khi chưa có Hiến pháp mới, Quốc hội quyết định Hiến pháp 1959 được áp dụng cho cả nước và giao cho Hội đồng Chính phủ chịu trách nhiệm hướng dẫn việc thi hành và xây dựng pháp luật thống nhất trong cả nước. Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1960 đã được áp dụng trong cả nước và các Toà án nhân dân ở miền Nam được thành lập nhanh chóng bằng một số lớn cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc trở về, cán bộ miền Bắc được chi viện và với cán bộ địa phương đã trực tiếp chiến đấu ở miền Nam.
Khái quát việc tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân trong giai đoạn này, chúng ta có thể có mấy nhận xét sau đây:
- Toà án nhân dân ở Việt Nam đã được tổ chức thành một hệ thống từ trung ương đến huyện, thị xã phù hợp với điều kiện và đặc thù của chế độ chính trị, kinh tế, xã hội của nước ta trong giai đoạn này.
- Các Toà án Binh trước chịu sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng thì mong được gọi là Toà án Quân sự và các Toà án Quân sự cũng như các Toà án nhân dân địa phương đều chịu sự hướng dẫn thống nhất của Toà án nhân dân tối cao về áp dụng pháp luật, đường lối xét xử và cũng đều do Toà án nhân dân tối cao giám đốc công tác xét xử.
- Trong tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân bảo đảm tối đa sự tham gia của nhân dân; cụ thể được thể hiện chế độ bầu cử các chức vụ Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán các Toà án nhân dân các cấp và thực hiện nguyên tắc xét xử của Toà án nhân dân có Hội thẩm nhân dân tham gia và chiếm đa số trong thành phần Hội đồng xét xử.
- Tổ chức Toà án nhân dân theo nguyên tắc kết hợp thẩm quyền xét xử với đơn vị hành chính lãnh thổ.
- Toà án nhân dân thực hiện chế độ hai cấp xét xử. Điều đó có nghĩa là Nhà nước ta chú trọng bảo đảm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Việc quản lý các Toà án nhân dân địa phương do Toà án nhân dân tối cao đảm nhiệm, nhưng thực chất có thể nói trong giai đoạn này các Toà án nhân dân địa phương song trùng trực thuộc. Toà án nhân dân tối cao chủ yếu quản lý về công tác sắp xếp bộ máy làm việc, số lượng biên chế, trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn tổng biên chế của các Toà án nhân dân địa phương, quản lý về công tác xét xử. Uỷ ban nhân dân địa phương quản lý và cấp kinh phí hoạt động cũng như sắp xếp nhân sự; cụ thể Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu.
2. Triển khai thi hành các quy định của Hiến pháp năm 1959, Luật Tổ chức TAND năm 1960, hệ thống Toà án nhân dân được củng cố, tăng cường và hoàn thành nhiệm vụ của mình trong giai đoạn mới.
Về các Toà án nhân dân.
Trong sáu tháng đầu năm 1960 các Toà án nhân dân đã đóng vai trò quan trọng trong công tác trấn áp bọn phản cách mạng, góp phần bảo vệ trị an chung và phục vụ các công tác lớn của Đảng và Nhà nước như: trấn áp bọn tề ngụy và bọn phản động; điều tra dân số; bầu cử đại biểu Quốc hội khoá II; phục vụ hợp tác hoá nông nghiệp ở đồng bằng và miền núi; phục vụ cải cách dân chủ ở miền núi và cải tạo công thương tư bản tư doanh theo chủ nghĩa xã hội. Các Toà án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xét xử 166 vụ án phản cách mạng gồm 310 bị cáo; 15 vụ án gián điệp gồm 25 bị cáo; 8 vụ hoạt động phỉ, biệt kích gồm 12 bị cáo; 80 vụ phản tuyên truyền gồm 80 bị cáo... Về các vụ án hình sự (không phải các tội xâm phạm an ninh quốc gia) các Toà án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xét xử 975 vụ án gồm 1557 bị cáo... Bên cạnh đó các Toà án các cấp đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, tiến hành hoà giải được nhiều tranh chấp nhỏ trong nhân dân, góp phần bảo đảm sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân.
Luật tổ chức Toà án nhân dân được Quốc hội khoá II, kỳ họp thứ nhất thông qua (ngày 14-7-1960) là cơ sở pháp lý củng cố hệ thống Toà án nhân dân và làm cho toàn ngành Toà án nhân dân nhận thức được rõ ràng sâu sắc về chức năng, nhiệm vụ và vai trò của ngành mình trong thời kỳ quá độ tiến lệ chủ nghĩa xã hội.
Có thể nói rằng trong 4 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965 - 1968), ngành Toà án nhân dân đã đóng vai trò rất quan trọng, góp phần to lớn trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong những năm này đế quốc Mỹ điên cuồng tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc với quy mô ngày càng mở rộng và với mức độ ngày càng ác liệt hòng phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Thực hiện nhiệm vụ chung do Trung ương Đảng đề ra cho toàn Đảng, toàn dân ở miền Bắc là: “Tiếp tục đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, tăng cường bảo vệ miền Bắc, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của giặc Mỹ; đồng thời tích cực chi viện cho cuộc chiến tranh yêu nước của đồng bào miền Nam, giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất đất nước”, mặc dù trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, song nhìn chung trong 4 năm kháng chiến, ngành Toà án nhân dân đã thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác của ngành thể hiện trên ba mặt:
Một là, các Toà án các cấp đã gắn chặt công tác Toà án với các nhiệm vụ chính trị của thời chiến, đã hướng mọi hoạt động của ngành Toà án vào mục đích phục vụ các cuộc vận động chính trị, các công tác lớn của Đảng và Nhà nước. Nói chung các mặt công tác của Toà án phát triển đúng hướng, vững chắc, có nội dung chính trị rõ rệt và do đó có tác dụng rất lớn đối với việc thực hiện các nhiệm vụ trung tâm: chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hai là, nắm vững vấn đề tăng cường chuyên chính và bảo đảm dân chủ trong tình hình đặc điểm của nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa và trong tình hình miền Bắc có chiến tranh phá hoại, ngành Toà án đã tăng cường và kết hợp chặt chẽ các mặt: trừng trị và phòng ngừa, xét xử và tuyên truyền giáo dục pháp luật trong cuộc đấu tranh chống tội phạm và vi phạm chính sách, pháp luật.
Ba là, ngành Toà án đã chú trọng nhiều đến việc xây dựng tư pháp xã và tổ hoà giải cơ sở, nhằm phát huy mạnh mẽ tính chất nhân dân của công tác Toà án, kết hợp tính tích cực của quần chúng với hoạt động của Toà án trong cuộc đấu tranh chống tội phạm và trong việc giải quyết các xích mích, tranh chấp trong nội bộ nhân dân.
Quán triệt Nghị quyết 39-NQTƯ ngày 20-1-1962 của Bộ Chính trị, ngành Toà án nhân dân đã tăng cường đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, trừng trị kịp thời và nghiêm khắc mọi hoạt động phản cách mạng, đặc biệt là đối với các hoạt động gián điệp, biệt kích, hoạt động tổ chức phản cách mạng, hoạt động chiến tranh tâm lý. Trong việc xét xử các tội phản cách mạng, ngành Toà án nhân dân đã nắm chắc phương châm, chính sách và sách lược của Đảng, thể hiện đúng quan điểm đấu tranh giai cấp, quan điểm chính trị của Đảng, phát huy đến mức cao nhất tác dụng chính trị của việc xét xử, góp phần tiêu diệt bọn phản cách mạng ở miền Bắc, đồng thời nêu cao tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, gây ảnh hưởng chính trị tốt đối với miền Nam. Đặc biệt trong giai đoạn này, được sự phân công của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao đã soạn thảo xong Dự án Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng, được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua và Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố vào cuối năm 1967.
Bên cạnh việc đấu tranh, trấn án bọn phản cách mạng, Toà án nhân dân đã đóng vai trò quan trọng trong việc trừng trị những hành vi xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, vi phạm các nguyên tắc, chính sách, chế độ, thể lệ quản lý kinh tế tài chính, quản lý thị trường cũng như trong việc trừng trị những hành vi xâm phạm trật tự, trị an và an toàn xã hội, vi phạm các chính sách lớn của thời chiến. Trong việc xét xử các loại tội phạm này, Toà án đã kết hợp nhuần nhuyễn nguyên tắc trừng trị và nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa. Đối với nhân dân lao động, phạm tội nhẹ, việc xét xử của Toà án nói chung mục đích giáo dục là chính. Còn đối với những người tuy thuộc thành phần nhân dân lao động, nhưng đã biến chất, lợi dụng danh nghĩa hợp tác xã thủ công, hoặc bỏ hợp tác xã làm ăn riêng lẻ để kinh doanh trái phép bóc lột, trục lợi, cũng như đối với các trường hợp nghiêm trọng, thì các Toà án đã xét xử nghiêm minh với mức án nghiêm khắc. Ví dụ: Trần Văn Toàn (Hải Phòng) công nhân nhà in, lấy cắp chữ, mực và in tem phiếu giả để mua thực phẩm của mậu dịch về bán đầu cơ, trục lợi khoảng 3.000đ, đã bị xử phạt 10 năm tù và 4.000đ; Trần Văn Di (Hà Tĩnh) thủ kho lương thực, lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, thông đồng với gian thương tham ô 13 tấn gạo đem bán trục lợi bị xử phạt tù chung thân.
Bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất nước nhà. Trong thắng lợi đó Toà án nhân dân đã có sự đóng góp sức lực, trí tuệ không nhỏ và còn có cả xương máu, đó là sự hy sinh của các đồng chí Thẩm phán, cán bộ Toà án trên đường đi làm nhiệm vụ xét xử. Ngay năm đầu thống nhất nước nhà các Toà án được tổ chức, củng cố trên toàn lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hội nghị toàn quốc đầu tiên của ngành Toà án nhân dân tháng 4-1977 đã xác định đúng nội dung cụ thể của nhiệm vụ chính trị của ngành Toà án trong giai đoạn mới của cách mạng và đã đề ra những biện pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đó. Trong 9 tháng đầu năm 1977, các Toà án các cấp (trừ các Toà án cấp huyện chưa có số liệu) đã thụ lý, xét xử 112 vụ án phản cách mạng, 8.167 vụ án hình sự khác. Đặc biệt các Toà án đã tăng cường xét xử lưu động tại nơi phạm tội, xác định và xét xử các vụ án điển hình, những vụ án phản cách mạng, những vụ án xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự trị an hoặc những vụ án xâm phạm đến tài sản xã hội chủ nghĩa gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng... Bằng con người thật, sự việc thật qua phiên toà xét xử, các Toà án đã vạch trần thủ đoạn và ý thức phạm tội của các bị cáo, tỏ rõ thái độ kiên quyết trấn áp các hoạt động phản cách mạng, trừng trị nghiêm khắc bọn lưu manh côn đồ hung hãn và những phần tử thoái hoá, biến chất. Do đó, việc xét xử đã có tác dụng giáo dục và phòng ngừa rất tốt, phục vụ kịp thời các cuộc vận động lớn của Đảng và Nhà nước như: bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ trật tự công cộng và an toàn xã hội, xây dựng cuộc sống mới, con người mới... đặc biệt là ở thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng và các tỉnh, thành phố, quận, huyện ở phía Nam sau ngày giải phóng.
Bên cạnh những thành tích đạt được trong công tác xét xử các vụ án hình sự, các Toà án nhân dân đã đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, các vụ kiện về hôn nhân và gia đình. Trong 9 tháng đầu năm 1976 các Toà án nhân dân ở miền Bắc đã thụ lý giải quyết sơ thẩm 3.056 vụ án dân sự, 10.749 vụ án về hôn nhân và gia đình; các Toà án nhân dân ở miền Nam đã thụ lý giải quyết sơ thẩm 1.005 vụ án dân sự và hơn 10.000 vụ án về hôn nhân và gia đình. Đặc biệt các Toà án đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn, giúp đỡ các Ban tư pháp xã, các tổ hoà giải ở cơ sở nhằm giải quyết tốt các tranh chấp nhỏ trong nhân dân. Sở dĩ đạt được những kết quả to lớn này là do các Toà án các cấp nắm vững tình hình đặc điểm của tranh chấp dân sự mang tính chất phức tạp nhất là ở vùng mới giải phóng, đồng thời có sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Toà án nhân dân tối cao.
Về các Toà án quân sự.
Song song với các Toà án nhân dân, các Toà án quân sự cũng đã đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng và chống tội phạm. Trong thời kỳ này tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, ở miền Bắc trong số các tội phản cách mạng nổi lên các hoạt động của nhiều toán gián điệp, biệt kích nhằm phá hoại cơ sở kinh tế quan trọng, gây rối, gây bạo loạn, âm mưu lật đổ chính quyền ở những địa bàn xung yếu ở giáp biên giới, vùng núi... Một số tội phạm phát sinh tăng đáng kể, xâm phạm nghiêm trọng đến kỷ luật, sức chiến đấu của quân đội. Các hành vi trốn tránh nhiệm vụ như: đào ngũ, tự huỷ hoại thân thể, kháng lệnh xảy ra nhiều ở các đơn vị tuyến trước và các đơn vị huấn luyện bổ sung cho tuyến trước. Nhiều vụ đào ngũ có đông người tham gia, có trường hợp người đào ngũ là sỹ quan và đào ngũ mang theo vũ khí. Công tác quản lý tài sản trong chiến tranh, trong điều kiện phân tán có nhiều sơ hở, nên các tội tham ô, trộm cắp cũng phát triển và gây thiệt hại rất nghiêm trọng. ở miền Nam cuộc chiến đấu diễn ra rất gian khổ, ác liệt, nên tội phạm thường biểu hiện ở các hành vi đầu hàng địch, tiết lộ bí mật quân sự, làm tay sai cho địch v.v...
Để đáp ứng yêu cầu xây dựng, chiến đấu của quân đội và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, các Toà án quân sự được củng cố, số cán bộ ở mỗi cấp Toà án được tăng lên, hình thành đội ngũ cán bộ chuyên trách ngày càng nhiều, từ năm 1970 chế độ cán bộ Toà án kiêm chức được chấm dứt. Thực hiện phương châm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của quân đội trong từng giai đoạn, từng năm, ngành Toà án quân sự xác định hướng hoạt động tập trung đấu tranh chống các tội phạm trọng điểm, góp phần đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm có hiệu quả. Từ năm 1961 đến năm 1975 các Toà án quân sự đã xét xử hơn 5.000 vụ án. Các Toà án quân sự ở miền Nam với danh nghĩa Toà án quân sự cách mạng, Toà án quân sự mặt trận được tổ chức và hoạt động xét xử trên khắp các chiến trường, kịp thời trừng trị bọn ác ôn và những phần tử đầu hàng, phản bội gây tội ác đối với nhân dân.
Từ năm 1961 đến năm 1964 các Toà án quân sự đã xét xử trên 40 vụ gián điệp biệt kích, điển hình như vụ án gián điệp biệt kích C47. Thông qua việc xét xử các Toà án quân sự đã trừng trị nghiêm khắc bọn phản cách mạng đồng thời vạch trần âm mưu, thủ đoạn thâm độc của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng. Các Toà án quân sự còn xét xử trừng trị đích đáng những phần tử phản cách mạng, âm mưu và hành động gây bạo loạn, cướp chính quyền như vụ gây bạo loạn ở Pha Long; vụ gây bạo loạn ở Ninh Bình v.v... Sau năm 1975 các Toà án quân sự đã tập trung giải quyết một số lượng lớn vụ án tồn động trong chiến tranh, trong đó nhiều phần tử đầu hàng, phản bội Tổ quốc, làm tay sai cho địch bị trừng trị nghiêm khắc. Một số loại tội khác như: các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, xâm phạm tài sản của công dân, xâm phạm vũ khí, trốn tránh nhiệm vụ chiến đấu, đào ngũ, kháng lệnh hành hung cấp trên, gây rối trật tự công cộng v.v... được các Toà án quân sự xét xử kịp thời, nghiêm minh.
Hoạt động của các Toà án quân sự đã phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, thực hiện tích cực, có trọng điểm, đạt tác dụng và hiệu quả cao trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Hoạt động của các Toà án quân sự góp phần giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, giữ gìn kỷ luật và sức mạnh chiến đấu của quân đội trong chiến đấu, cũng như trong xây dựng hoà bình. Việc đưa các vụ án về nơi xảy ra sự việc để xét xử trước sự chứng kiến của đông đảo cán bộ, chiến sỹ và nhân dân, kết hợp với công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật đã có tác dụng tốt trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Giúp cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân nhận thức rõ hơn về kỷ luật của quân đội và pháp luật của Nhà nước, nâng cao ý thức tự giác chấp hành, góp phần làm giảm các hiện tượng tiêu cực, lạc hậu trong các đơn vị quân đội. Thông qua hoạt động của các Toà án quân sự, giúp cho cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp thấy rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển của tội phạm. Từ đó tích cực, chủ động khắc phục những sơ hở, yếu kém về công tác quản lý tài sản, quản lý xây dựng đơn vị. Có thể nêu một số vụ điển hình như:
Toà án quân sự quân khu 7 xét xử vụ đào ngũ ở Gò Dầu Hạ, Tây Ninh trước đông đảo quần chúng nhân dân. Trước khi xét xử Toà án tiến hành tuyên truyền giáo dục pháp luật, trong khi xét xử Hội đồng xét xử đã phân tích rõ tính chất, tác hại của hành vi đào ngũ và quyết định hình phạt thoả đáng, được đông đảo quần chúng đồng tình. Do đó, sau khi xét xử vụ án được 3 đến 4 ngày đã có trên 200 người đào ngũ trước đây đến cơ quan quân sự huyện trình diện và xin trở lại đơn vị.
Toà án quân sự quân khu 4 xử vụ Lưu Xuân Võ và đồng bọn can tội trộm cắp vũ khí tại Yên Thành, Nghệ An có tác dụng giáo dục tốt. Sau khi xét xử chỉ trong thời gian ngắn có nhiều người trước đây còn tàng trữ vũ khí trái phép đã đem hàng trăm khẩu súng và nhiều chất nổ đến nộp cho cơ quan có thẩm quyền.
Trong thời kỳ này các Toà án quân sự còn bám sát yêu cầu nhiệm vụ của các đơn vị tình nguyện của Việt Nam ở nước ngoài nhằm giữ vững kỷ luật, sức mạnh chiến đấu của quân đội, xây dựng tình đoàn kết giữa Việt Nam và một số nước anh em. Nhiều vụ án được xét xử ở nước ngoài được cán bộ, chiến sỹ quân đội ta và nhân dân nước bạn rất đồng tình ủng hộ.
Quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu để giành thắng lợi to lớn: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đánh thắng các cuộc chiến tranh ở biên giới của các thế lực thù địch, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Hoạt động của các Toà án quân sự trong thời kỳ này có bước phát triển mới. Các Toà án luôn nắm vững yêu cầu nhiệm vụ chính trị của quân đội và tình hình tội phạm để có những hoạt động phù hợp, đấu tranh phòng chống tội phạm có hiệu quả cao nhất, góp phần bảo vệ sức mạnh chiến đấu của quân đội.
Có thể khẳng định trong điều kiện chiến tranh cũng như trong xây dựng hoà bình, vai trò của Toà án quân sự là rất cần thiết, không thể thiếu. Qua hoạt động thực tiễn đã chứng minh tội phạm nảy sinh và đấu tranh chống tội phạm trong quân đội là một thực tế khách quan mà chúng ta phải có nhận thức đúng và giải quyết theo quy luật vốn có của nó. Phát hiện đúng điều kiện, nguyên nhân phát sinh phát triển của tội phạm, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan bảo vệ pháp luật, của công tác quản lý, giáo dục, xây dựng đơn vị, kết hợp trừng trị với giáo dục cải tạo thì công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mới có hiệu quả. Chúng ta cần chống biểu hiện không đúng như chỉ thấy những hành vi phạm tội cụ thể, tách biệt nguyên nhân chung và riêng hoặc lảng tránh, bao che, sợ mất thành tích không đấu tranh kiên quyết và triệt để dẫn đến việc đấu tranh phòng chống tội phạm kém hiệu quả, đó chính là biểu hiện hạ thấp vai trò của các Toà án quân sự.