3.3.3. Các thủ tục cần thiết sau phiên hòa giải
● Sau khi hòa giải nếu đương sự trực tiếp đến Tòa án xin thay đổi thỏa thuận, thì Thư ký giúp Thẩm phán lập biên bản ghi ý kiến thay đổi thỏa thuận của họ. Biên bản phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của đương sự và lưu vào hồ sơ vụ án. Việc thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận này phải được Tòa án thông báo cho các đương sự khác có liên quan đến thỏa thuận đó.
● Thư ký chỉ giúp Thẩm phán soạn thảo quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, nếu các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án (các quan hệ pháp luật, các yêu cầu của các đương sự trong vụ án) và cả về án phí. Trong trường hợp các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án nhưng không thoả thuận được với nhau về trách nhiệm phải chịu án phí hoặc mức án phí, thì Toà án không công nhận sự thoả thuận của các đương sự mà tiến hành mở phiên toà để xét xử vụ án.
● Hết thời hạn quy định 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận thì Thư ký giúp Thẩm phán dự thảo quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự soạn theo mẫu số 09 ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP.
Cập nhật lần cuối: 28/03/2012