URL: http://sotaythuky.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676680/27677576?pers_id=27677954&item_id=201477767&p_details=1
 
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thăm và làm việc tại Pháp
22/05/2017-10:49:00 AM
 
Sau thời gian thăm và làm việc tại Ý, Đoàn đại biểu cấp cao Tòa án nhân dân tối cao do Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao dẫn đầu thăm và làm việc tại Pháp từ 15 đến 20/5/2017.
Sau thời gian thăm và làm việc tại Ý, Đoàn đại biểu cấp cao Tòa án nhân dân tối cao do Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao dẫn đầu thăm và làm việc tại Pháp từ 15 đến 20/5/2017.

Tại Pháp, Đoàn thăm và làm việc với Tòa Phá án Pháp, Trường đào tạo thẩm phán quốc gia, Bộ Tư pháp và Tòa án sơ thẩm thẩm quyền rộng Paris. Mục đích chuyến thăm nhằm ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Học viện Tòa án và Trường đào tạo thẩm phán quốc gia Pháp về đào tạo tư pháp, tìm hiểu kinh nghiệm của Pháp trong các lĩnh vực Tòa án gia đình, tư pháp vị thành niên và phát triển án lệ.  Sau đó, Đoàn tham dự Hội nghị tư pháp quốc tế lần thứ 20 từ ngày 17 đến ngày 19/5/2017.

Tòa Phá án xét xử trung bình 20.000 vụ án dân sự và 7.600 vụ án hình sự mỗi năm. Thời gian xét xử vụ dân sự trung bình là từ một năm đến một năm rưỡi. Tòa Phá án có nhiều biện pháp đẩy nhanh tốc độ xét xử, tiết kiệm thời gian và nguồn lực tư pháp. Hệ thống công nghệ thông tin tại Tòa Phá án rất hiện đại, thuộc hàng bậc nhất Châu Âu.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình và các thành viên Đoàn công tác
chụp ảnh lưu niệm với các Thẩm phán Tòa phá án Pháp

Hệ thống tòa án trẻ vị thành niên chia làm hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Có đội ngũ thẩm phán chuyên biệt về bảo vệ và chăm sóc trẻ vị thành niên, với hai thẩm quyền riêng biệt là bảo vệ trẻ em và xét xử hình sự các vụ án trẻ vị thành niên phạm tội. Hệ thống tư pháp vị thành niên của Pháp dựa trên 6 nguyên tắc cơ bản: (i) biện pháp quan trọng nhất là giáo dục; (ii) áp dụng hình phạt theo tỷ lệ; (iii) không ấn định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự cụ thể, thẩm phán quyết định từng trường hợp cụ thể; (iv) xét xử kín; (v) các biện pháp giáo dục và chế tài được thiết kế riêng cho trẻ vị thành niên và (vi) việc áp dụng án phạt tù là ngoại lệ, khi áp dụng phải riêng biệt hóa, cá nhân hóa, không xử lý chung cho mọi người. Hình phạt rất đa dạng, từ cảnh cáo đến phạt tù. Trẻ vị thành niên gần đủ 18 tuổi có thể bị áp dụng các biện pháp trừng phạt gần giống người trưởng thành. Trẻ vị thành niên từ 13-16 tuổi có thể bị áp dụng hình phạt tước đoạt tự do, thời hạn phải thấp hơn hoặc bằng một nửa hình phạt dành cho người trưởng thành. Trẻ em trên 10 tuổi có thể bị áp dụng các biện pháp như tịch thu, sửa chữa hậu quả, giáo dục công dân.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình và Chánh án Tòa án Thẩm quyền rộng Pari

Từ thế kỷ 19, án lệ được coi là công cụ hữu hiệu, bảo đảm áp dụng pháp luật đồng đều, thống nhất tại các vùng địa lý khác nhau, giúp Tòa Phá án thực hiện mục tiêu bảo đảm công bằng và công lý. Bản án của Tòa Phá án thường được viết ngắn gọn, vắn tắt. Bên cạnh công bố bản án, Tòa Phá án công bố cả những tài liệu khác như báo cáo của thẩm tra viên, ý kiến của Viện Công tố, hay tài liệu giải thích quá trình suy luận để đưa ra bản án. Mỗi năm, riêng Tòa Hình sự ban hành khoảng 50 án lệ.

Tại Trường đào tạo thẩm phán quốc gia, hai bên nhất trí rằng quan hệ hợp tác tiến triển tốt đẹp và hiệu quả, thể hiện qua việc Trường ĐTTPQG giúp Việt Nam đào tạo nhiều khóa thẩm phán và cán bộ tòa án, cử nhiều đoàn thẩm phán, giảng viên sang tổ chức các hội thảo, hội nghị nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cử thẩm phán -thực tập sinh sang thực tập tại Học viện Tòa án. Chánh án TANDTC Việt Nam đánh giá cao hiệu quả hợp tác, cho rằng hai bên cần thúc đẩy quan hệ hợp tác lên tầm cao mới hiệu quả hơn, thiết thực hơn và đi vào chiều sâu, đưa ra những định hướng hợp tác trong tương lai. Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp sẵn sàng làm cầu nối hỗ trợ và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai Tòa án hai nước. Cuối phiên làm việc, Giám đốc Trường ĐTTPQG Pháp và đại diện lãnh đạo Học viện Tòa án Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận chung về hợp tác đào tạo tư pháp.

Lễ ký kết thỏa thuận chung về hợp tác đào tạo tư pháp giữa Học viện Tòa án Việt Nam và Trường đào tạo Thẩm phán quốc gia Pháp

Tại phiên làm việc ở Bộ Tư pháp, ông Tổng Thư ký Bộ Tư pháp (Thứ trưởng thường trực) đánh giá kết quả hợp tác giữa TANDTC Việt Nam và các đối tác Pháp là thiết thực, hiệu quả, nhấn mạnh quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia nay đã đi vào chiều sâu, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực tư pháp và tòa án. Ông cho rằng quan hệ hợp tác tư pháp giữa hai nước mang tính lịch sử, phát triển lâu dài, gắn bó và cam kết rằng Bộ Tư pháp Pháp luôn luôn coi trọng và thúc đẩy quan hệ hợp tác. Chánh án TANDTC Việt Nam thông báo với ông Tổng Thư ký kết quả làm việc của Đoàn, đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa các cơ quan tư pháp Việt Nam và các đối tác Pháp, xác định định hướng hợp tác ưu tiên và tin tưởng rằng mối quan hệ này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và phát triển trong thời gian tới.

Đoàn công tác Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam tại buổi làm việc
với Vụ hỗ trợ tư pháp vị thành niên, Bộ Tư pháp Pháp

Hội nghị tư pháp quốc tế là diễn đàn tư pháp, được tổ chức luân phiên 2 năm một lần, là diễn đàn để các đại biểu cùng nhau trao đổi thông tin, kinh nghiệm về những chủ đề luật pháp được lựa chọn thu hút nhiều quan tâm. Hội nghị lần thứ 20 này có sự tham dự của hơn 100 đại biểu, là các thẩm phán, chuyên gia luật, luật sư… đến từ 33 quốc gia. Hội nghị tập trung vào 5 chủ đề lớn: (i) Sự cần thiết của việc bồi dưỡng thẩm phán qua việc phát triển các cơ sở đào tạo tư pháp; (ii) Sự ứng phó của tư pháp hình sự trước tình trạng khủng bố; (iii) Luật môi trường quốc tế; (iv) Những tiến bộ trong tố tụng chống độc quyền cá nhân; (v) Thẩm quyền phổ quát. Trong Hội nghị này, đại diện Đoàn Việt Nam trình bày tham luận với tiêu đề “Đào tạo thẩm phán và sự phát triển các cơ sở đào tạo tư pháp của Việt Nam”. Thêm vào đó, Đoàn Việt Nam tham gia thảo luận tại các phiên còn lại như chống khủng bố, thẩm quyền phổ quát…, qua đó thông tin đến diễn đàn quan điểm của Việt Nam trong các lĩnh vực này, thực trạng và những tiến bộ mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua, cũng như xu hướng phát triển trong thời gian tới.

Ngày 19/5/2017, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chủ trì Lễ kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức. Các hoạt động tưởng niệm bao gồm thắp hương tại bàn thờ Bác tại Đại sứ quán, đặt lẵng hoa tại ngôi nhà số 9 ngõ Công-poanh và tổ chức Lễ kỷ niệm tại tượng đài Bác tại thành phố Mông-thơi. Tại Lễ kỷ niệm, Chánh án TANDTC có bài phát biểu ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ôn lại những đóng góp của Người vào phong trào cộng sản thế giới, thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản, lãnh đạo công cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam, cảm ơn chính quyền và nhân dân thành phố Mông-thơi gìn giữ những kỷ vật của Bác, và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia, nhân dân hai quốc gia và hai Đảng Cộng sản. Tham dữ Lễ kỷ niệm có ông Đờ-ni Rông-đờ-pi-e, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đảng cộng sản Pháp; ông Giăng Pi-e Bờ-ra, Thị trưởng danh dự Thành phố Mông-thơi; Ban lãnh đạo bảo tàng Hồ Chí Minh tại Mông-thơi; Đoàn công tác, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và đông đảo nhân dân thành phố Mông–thơi.

Nguồn: HTQT-TANDTC

In Trang | Đóng cửa sổ