3.2.2. Hoà giải và công nhận sự thỏa thuận của các đương sự
Các bước thực hiện giống như vụ án dân sự, hôn nhân gia đình và kinh doanh thương mại sơ thẩm nhưng khi giúp Thẩm phán, Thư ký cần chú ý:
● Đối với vụ án lao động hòa giải là phương pháp giải quyết tranh chấp có thể tạo ra khả năng duy trì quan hệ lao động sau tranh chấp. Bởi vì, thực chất của hòa giải là việc hai bên tranh chấp tiếp tục thương lượng, thỏa thuận với nhau có sự giúp đỡ của Thẩm phán.
● Khi tiến hành hòa giải vụ án lao động, Thư ký cũng phải thực hiện đầy đủ các quy định về nguyên tắc, thủ tục, nội dung hòa giải mà BLTTDS đã quy định. Trong vụ án lao động, thông thường các đương sự có rất nhiều yêu cầu nên Thư ký khi ghi biên bản phải chú ý ghi đầy đủ ý kiến và yêu cầu của từng người một cách cụ thể.
● Đối với trường hợp vụ án lao động hòa giải thành, Thư ký khi ghi biên bản cần ghi rõ ràng, cụ thể những nội dung các bên đã thỏa thuận được để làm cơ sở ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Trong trường hợp người sử dụng lao động đồng ý nhận người lao động trở lại làm việc thì biên bản hòa giải thành Thư ký cần ghi rõ công việc mà người lao động sẽ được làm khi quay trở lại làm việc là việc gì? Công việc cũ các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động hay một công việc mới khác. Đặc biệt đối với số tiền lương trong những ngày không được làm việc, tiền trợ cấp… hai bên đã thỏa thuận. Những khoản tiền mà các bên đã thỏa thuận được nên tính toán thành một con số cụ thể, tránh tình trạng ghi chung chung.
● Ghi biên bản hòa giải vụ án liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng lao động:
- Thư ký phải ghi nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động, thủ tục các bên đã tiến hành khi chấm dứt hợp đồng lao động, yêu cầu cụ thể của các bên trong tranh chấp, mức độ mâu thuẫn giữa các bên trong tranh chấp, hoàn cảnh hiện tại của người sử dụng lao động và người lao động.
- Đối với vụ án về chấm dứt hợp đồng lao động, khi ghi biên bản Thư ký cần chú ý yêu cầu khởi kiện của người lao động rất đa dạng, ngoài yêu cầu được trở lại làm việc hoặc được bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương những ngày không được làm việc, tiền trợ cấp thôi việc, người lao động còn yêu cầu Tòa án buộc người sử dụng lao động thanh toán tiền công tác phí, tiền Tết âm lịch, Tết dương lịch, tiền ăn trưa, tiền trang phục… Nhiều vụ án người lao động còn yêu cầu Tòa án giải quyết quyền mua cổ phiếu theo giá ưu đãi và giá sàn trong thời gian còn làm việc… Để giải quyết tốt tại buổi hòa giải Thư ký cần phân loại các yêu cầu của đương sự và tiến hành hòa giải các yêu cầu chính, chủ yếu trước. Trong nhiều trường hợp, việc hòa giải thành các yêu cầu chính sẽ kéo theo việc hòa giải thành các yêu cầu khác.
Cập nhật lần cuối: 26/03/2012