1.2.2. Hoà giải
Hoà giải là một hoạt động tố tụng rất quan trọng. Khác với những vụ án dân sự bình thường, trong vụ án hôn nhân và gia đình cần phải hoà giải về quan hệ hôn nhân, phân tích để họ đoàn tụ, khôi phục tình cảm vợ chồng.
● Hòa giải về quan hệ hôn nhân là bắt buộc và có thể thực hiện sớm, không phải chờ việc thu thập chứng cứ về tranh chấp nuôi con, tài sản.
● Trường hợp không được hòa giải là trường hợp đã xác định được quan hệ hôn nhân không hợp pháp (Điều 181 BLTTDS).
● Trường hợp không tiến hành hòa giải được là bao gồm: Trường hợp quy định tại Điều 182 BLTTDS do bị đơn cố tình vắng mặt đến lần thứ hai; đương sự không thể có mặt vì lý do chính đáng (ở nước ngoài, ở tù…); bị đơn mất năng lực hành vi dân sự.
● Hòa giải với những người có quyền và nghĩa vụ liên quan chỉ cần hòa giải giữa các đương sự liên quan (Điều 184 BLTTDS). Ví dụ: về một khoản nợ chung, chỉ cần hòa giải giữa chủ nợ và vợ, chồng (không cần sự có mặt của các chủ nợ khác).
● Trường hợp các đương sự thỏa thuận ly hôn và việc giải quyết toàn bộ vụ án thì lập “Biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành” (mẫu số 08a ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP), sau 7 ngày nếu đương sự không thay đổi về sự thỏa thuận đó thì ra “Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự” (mẫu 09a ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP).
Lưu ý: Đối với vụ án (hoặc việc) về hôn nhân và gia đình, thì hòa giải về quan hệ hôn nhân là bắt buộc (Điều 10 BLTTDS). Cần phải xác định hòa giải đoàn tụ thành là hòa giải thành. Ngược lại, hòa giải đoàn tụ không thành, dẫn đến công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về thuận tình ly hôn, thì đó là trường hợp hòa giải không thành và chỉ là công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về thuận tình ly hôn.
Các thủ tục tại phiên tòa hay giai đoạn phúc thẩm khi giải quyết vụ án hôn nhân gia đình cũng giống như vụ án dân sự.
Cập nhật lần cuối: 09/04/2012