3.1.4. Định giá tài sản
Thủ tục thực hiện theo đúng quy định tại Điều 92 BLTTDS và hướng dẫn tại mục 7 phần IV Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP.
● Khi Thẩm phán yêu cầu làm thủ tục chuẩn bị định giá tài sản, Thư ký giúp Thẩm phán soạn thảo công văn gửi đến các cơ quan chuyên môn đề nghị họ cử người tham gia Hội đồng định giá với tư cách là Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng định giá. Trong công văn cần nêu rõ vụ án đang giải quyết, tài sản cần định giá, yêu cầu của Tòa án và thời hạn các cơ quan chuyên môn đó phải trả lời cho Tòa án biết việc cử người tham gia Hội đồng định giá.
● Sau khi nhận được trả lời về việc cử người tham gia Hội đồng định giá, cần liên lạc với các thành viên Hội đồng định giá để họ biết thời gian dự kiến tiến hành định giá tài sản để họ sắp xếp công việc. Nếu họ có việc bận không thể tham gia được thì phải báo cáo lại Thẩm phán để xem xét thay đổi ngày dự kiến định giá hoặc mời người khác thay thế tham gia Hội đồng định giá.
● Thư ký Tòa án soạn dự thảo “Quyết định định giá tài sản” (mẫu số 01d ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP). Quyết định này được gửi cho các đương sự, các thành viên Hội đồng định giá, chính quyền địa phương nơi có tài sản cần định giá tham gia chứng kiến việc định giá.
● Trước ngày định giá, Thư ký Tòa án cần liên hệ trước với các thành viên Hội đồng định giá và chính quyền địa phương để chắc chắn việc định giá được tiến hành đúng như thời điểm đã nêu trên quyết định định giá tài sản.
● Khi đi định giá cần chuẩn bị thước kẻ, máy tính, giấy trắng… Trong trường hợp có người cản trở việc định giá tài sản thì cần liên hệ với Công an, cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu hỗ trợ.
● Tại phiên định giá Thư ký Tòa án thực hiện giúp các công việc theo yêu cầu của Hội đồng định giá, ghi biên bản định giá.
● Sau khi hoàn thành việc định giá Thư ký Tòa án thanh toán chi phí định giá cho các thành viên hội đồng, việc thanh toán được lập thành văn bản. Lập biên bản thực hiện việc thanh toán số tiền tạm ứng chi phí định giá đối với đương sự.
Cập nhật lần cuối: 10/04/2012