3.8. Quyết định đưa vụ án ra xét xử
● Căn cứ vào Điều 176, Điều 178 BLTTHS; tiểu mục 1.2, 1.3 mục 1; mục 3 phần I Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP Thư ký giúp Thẩm phán được phân công làm Chủ tọa phiên toà soạn thảo Quyết định đưa vụ án ra xét xử, nội dung quyết định đưa vụ án ra xét xử phải đầy đủ theo Điều 178 BLTTHS và đúng theo mẫu số 04d ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp, gửi cho bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo, người bào chữa chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên toà.
● Căn cứ vào khoản 2 Điều 57; Điều 185; 307 BLTTHS nếu xét thấy có bị can bị truy tố về tội theo khung hình phạt cao nhất là tử hình thì khi soạn thảo Quyết định đưa vụ án ra xét xử Thư ký cần lưu ý thành phần Hội đồng xét xử gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân và phải có người bào chữa cho bị cáo tham gia tố tụng. Trường hợp có bị cáo là người chưa thành niên thì thành phần Hội đồng xét xử phải có 01 Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Trong các trường hợp này, Thư ký có nhiệm vụ chuẩn bị soạn thảo Giấy mời Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án và Thông báo cho người bào chữa của bị cáo biết để tham gia phiên toà.
● Căn cứ vào khoản 1 Điều 182 BLTTHS trong trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo thì Thư ký phải giao Quyết định đưa vụ án ra xét xử cho người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp của bị cáo và còn phải được niêm yết tại trụ sở chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc nơi làm việc cuối cùng của bị cáo.
● Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì Toà án có thể mở phiên toà trong thời hạn ba mươi ngày.
Cập nhật lần cuối: 09/04/2012