Chuyển đổi số thư viện Học viện Toà án xây dựng văn hoá đọc mới
Untitled 1
Văn hoá đọc đang thay đổi
Từ trước đến nay, thư viện được coi là nơi kết nối tri thức bởi số lượng sách, tài liệu lớn, từ nơi đây bạn đọc có thể tìm thấy nhiều thông tin, kiến thức cần thiết phục vụ cho việc học.
Thư viện luôn chật kín sinh viên, học viên mỗi dịp cao điểm. Ảnh: Thế Chính
Trong ký ức của nhiều thế hệ sinh viên, học viên tại Học viện Toà án không thể nào quên hình ảnh Thư viện chất đầy sách và tài liệu giấy, phòng đọc được bố trí như giảng đường, trong không gian chật kín sinh viên đang “loay hoay” tìm một chỗ ngồi tự học, tự nghiên cứu. Sinh viên muốn mượn một cuốn sách phải tìm trong từng thư mục tra cứu tài liệu, viết phiếu, xếp hàng và chờ đợi cán bộ thư viện đi tìm trong kho, khiến việc mượn sách tại Thư viện tốn nhiều thời gian.
Thực tế, xu hướng chuyển đổi số đang từng bước thay đổi văn hoá đọc của giới trẻ, khi thói quen đọc sách của người trẻ đang thay đổi mạnh mẽ, ngày càng nhiều người tiếp cận với văn hóa đọc trên nền tảng số, họ có thể đọc sách mọi lúc, mọi nơi. Để thích ứng với sự thay đổi văn hoá đọc, nhiều nhà xuất bản đã mở thêm kênh xuất bản sách điện tử, sách 3D, hay gần đây nhất là sách nói, với những ưu điểm như cập nhật nhanh, lưu trữ tốt,…
PGS. TS. Phạm Minh Tuyên, Giám đốc Học viện kiểm tra kho sách Thư viện. Ảnh: Thế Chính
Mặc dù sách điện tử được dự báo sẽ là xu hướng trong thời gian tới, nhưng không thể phủ nhận vai trò của sách in truyền thống vẫn sẽ tồn tại như một phương tiện không thể thiếu để truyền bá thông tin, kiến thức. Và mỗi đối tượng độc giả lại có sự lựa chọn khác nhau giữa sách điện tử và sách giấy, hai loại sách này sẽ luôn song hành phát triển.
Có thể thấy, nhu cầu đọc sách để tìm hiểu kiến thức, thông tin của đa số người dân chưa hề mất đi mà chỉ chuyển từ hình thức đọc theo phong cách truyền thống sang đọc sách bằng nhiều phương thức khác. Do đó, để thúc đẩy văn hóa đọc tốt hơn nữa tại Học viện Toà án thì việc nâng cao dịch vụ thư viện, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện cần được triển khai một cách đồng bộ và nhanh chóng để bắt kịp với xu hướng và nhu cầu của bạn đọc, đặc biệt là các bạn sinh viên.
Thúc đẩy văn hóa đọc
Hiện nay, nhiều thư viện của các cơ sở đào tạo đại học trên khắp cả nước đã ứng dụng chuyển đổi theo hướng thư viện số để thúc đẩy văn hóa đọc, giúp nhiều người dễ dàng có cơ hội được tiếp cận với “nguồn tri thức của nhân loại”.
Giám đốc Học viện thực tế hoạt động của Thư viện. Ảnh: Nguyễn Yến
Với định hướng phát triển thư viện trở thành thư viện hiện đại, bằng kinh phí nhà nước và nguồn xã hội hóa, một số thư viện tại các trường đại học đã mạnh dạn đầu tư phần mềm quản lý thư viện; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cùng hệ thống máy tính, máy scan, máy in laze, máy photo… phục vụ cho việc chuyển đổi số trong thư viện; thực hiện số hóa nội dung các tài liệu, đầu sách thành dạng trình chiếu, video trên website của thư viện; tích hợp mã QR code cho các tài liệu để bạn đọc dễ dàng tra cứu nhanh chóng, thuận tiện.
Không nằm ngoài xu hướng phát triển đó, Thư viện Học viện Toà án đã và đang nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo sát sao của Ban giám đốc Học viện trong việc kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, số hoá nguồn tài liệu, ứng dựng khoa học công nghệ quản lý thư viện,.. để phục vụ giảng viên, sinh viên và học viên được tốt hơn. Mỗi khi có thời gian, các đồng chí trong Ban giám đốc đều thường xuyên thực tế hoạt động của thư viện, từ đó kịp thời phát hiện, giải quyết những bất cập mà cán bộ thư viện phải đối mặt hằng ngày.
Ban giám đốc chụp ảnh cùng cán bộ thư viện. Ảnh: Văn Long
Bước đầu hoạt động của thư viện đã đạt được một số thay đổi tích cực trong việc nâng cấp phòng đọc, xây dựng “không gian đọc xanh”, nguồn tài liệu được cập nhật thường xuyên theo đúng nhu cầu thực tế của bạn đọc, chất lượng dịch vụ phục vụ bạn đọc được nâng cao, cán bộ thư viện được học tập nâng cao nghiệp vụ về thư viện số,… thu hút được rất nhiều sinh viên, học viên đến học tập tại thư viện.
Mặc dù còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm của tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên thư viện việc xây dựng Thư viện số Học viện toà án sẽ thành công, góp phần xây dựng văn hoá đọc mới cho các thế hệ sinh viên, học viên theo học tại Học viện Toà án./.