Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, dòng chảy thông tin, tri thức luôn được chuyển tải nhanh chóng tới bạn đọc qua mạng Internet. Do đó, chuyển đổi số ngành thư viện chính là xu thế tất yếu nhằm thỏa mãn nhu cầu tra cứu tài liệu từ xa, đọc sách của bạn đọc. Việc chuyển đổi số còn giúp lưu giữ tài liệu cổ, giá trị, đồng thời tăng hiệu quả công việc của người làm thư viện.
Xu thế tất yếu
Thư viện Học viện Toà án từ lâu đã trở thành giảng đường thứ hai của sinh viên, học viên đang học tập và nghiên cứu tại Học viện. Sau khoảng thời gian học tập trên lớp, sinh viên, học viên đều có nhu cầu tự nghiên cứu và tự học tại thư viện. Hiện nay, mỗi ngày thư viện đón tiếp khoảng 200-300 lượt sinh viên, học viên đến học tập và nghiên cứu. Mùa cao điểm như thi học kỳ, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, thư viện luôn chật kín sinh viên đến học tập, thậm chí muốn sử dụng phải xuống các giảng đường, hội trường trong toà nhà Thư viện để làm nơi tự học cũng như làm việc nhóm.
Phòng đọc được trang trí hiện đại. Ảnh: Long Nguyễn
Thực tế cho thấy, tại thư viện Học viện toà án, công tác quản lý sách, biên mục tài liệu, quản lý thông tin người mượn sách, thủ tục mượn, trả sách hiện nay đang được làm thủ công và tồn tại nhiều bất cập. Hiện nay, muốn mượn sách tại thư viện phải tìm theo danh sách trên file excel, sau đó đăng ký phiếu mượn sách để cán bộ thư viện tìm sách trong kho, gây ra sự lãng phí thời gian trong khâu mượn, trả sách khi phải luôn thường trực ít nhất hai đến ba cán bộ thư viện trực tại quầy sách. Tuy nhiên, ngoài giờ hành chính sinh viên, học viên muốn tiếp cận được nguồn tài liệu thì phải chờ đến ngày hôm sau để mượn.
Bên cạnh đó, nhiều nguồn tài liệu quý hiếm về ngành toà án đang bị mục nát, rách khi chưa được số hoá.
Trước nhu cầu lớn của sinh viên, học viên cho thấy sự tất yếu phải đầu tư xây dựng thư viện thông minh với đầy đủ dịch vụ mượn sách trực tuyến, mượn sách điện tử, tham gia hội thảo trực tuyến, các khóa học trực tuyến, nhận thông tin giới thiệu sách hay xuất bản tài liệu… Ngoài ra, các hoạt động tương tác cộng đồng sẽ được duy trì thông qua các nền tảng xã hội như Fanpage, diễn đàn trực tuyến. Những hoạt động này giúp tạo dựng các cộng đồng đọc đa dạng, hỗ trợ người dùng trong hoạt động dạy học và nghiên cứu khoa học của Học viện Toà án. Với thư viện thông minh, người dùng sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn tài liệu mọi lúc, mọi nơi, cũng như mở rộng hệ thống kiến thức so với kiến thức được tiếp thu một chiều từ giáo viên.
Gợi mở hướng phát triển
Ngày 11/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg “Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu chung của chương trình chuyển đổi số ngành thư viện là ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới tư viện hiện đại; đảm bảo cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.
Để xây dựng được thư viện số rất cần sự đầu tư phát triển trên một số phương diện gồm: Nguồn tài nguyên số, hạ tầng cơ sở kỹ thuật và con người.
Trong đó, nguồn tài nguyên gồm tài nguyên truyền thống, tài nguyên số, tài nguyên điện tử. Hạ tầng cơ sở kỹ thuật gồm: Hạ tầng công nghệ thông tin gồm có máy chủ, thiết bị sao lưu phục hồi, thiết bị mạng, thiết bị an ninh tường lửa; Phần mềm quản lý thư viện gồm phần mềm quản lý tài liệu in ấn, phần mềm quản lý tài nguyên số, phần mềm tìm kiếm tài nguyên tập trung. Ngoài ra, thư viện cần có thêm cổng thông tin thư viện tích hợp các phần mềm trên để tạo thành cổng thông tin duy nhất cung cấp các thông tin và các tiện ích tra cứu, tương tác với thư viện cho người dùng; Hệ thống an ninh thư viện gồm Chip RFID/ Mã vạch/ Chỉ từ; cổng an ninh; máy đọc mã vạch, nạp/ khử từ, trạm lập trình lưu thông, máy mượn trả tự động, thiết bị kiểm kê; Hệ thống số hóa tài liệu qua máy số hóa tự động chuyên dụng... Cùng với đó là yếu tố con người có đủ năng lực để thực hiện công tác quản lý.
Cán bộ Thư viện thực tế học tập mô hình thư viện số.
Thời gian qua, mặc dù Học viện Toà án còn nhiều khó khăn, nhưng Hoạt động thư viện luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Ban giám đốc trong việc thay đổi không gian đọc cho sinh viên, khi phòng đọc được nâng cấp bàn ghế, tối ưu hoá diện tích phòng đọc, bố trí cây xanh tại các phòng đọc, mở cửa phòng đọc 24/7, cung cấp dịch vụ nước uống để phục vụ nhu cầu của bạn đọc tại chỗ.
Tuy nhiên, thư viện không chỉ đầu tư đẹp hiện đại từ vẻ bề ngoài, mà cần được đầu tư từ chất lượng bên trong, nhất là sự đa dạng dịch vụ và chất lượng người dùng. Để làm được điều này, rất cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa của Ban giám đốc trong việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đa dạng hoá các nguồn tài nguyên số.
Không gian phòng đọc được sử dụng để biên mục tài liệu. Ảnh: Long Nguyễn
Mặc dù, diện tích phòng đọc tầng 3 của thư viện đã được nâng cấp, tuy nhiên, để phục vụ tốt nhu cầu bạn đọc, rất cần mở rộng không gian phòng làm việc cho các cán bộ thư viện, cũng như diện tích kho chứa tài liệu. Hiện nay, khi thực hiện biên mục tài liệu với số lượng lớn các cán bộ thư viện đều phải mượn không gian phòng đọc nhóm, ảnh hưởng đến không gian đọc của sinh viên. Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, thư viện thường xuyên cập nhật nguồn tài liệu, do đó dẫn đến diện tích kho tài liệu hiện đang bị quá tải.
Đồng thời, nâng cao năng lực cho cán bộ thư viện là yếu tố cần thiết, cán bộ thư viện cần được trau dồi, bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ thư viện số, cùng với đó, cần có chế độ chính sách phù hợp với nhân viên thư viện theo trình độ đào tạo để khuyến khích cán bộ thư viện thường xuyên học tập nâng cao trình độ.
Xây dựng thư viện điện tử là xu hướng tất yếu, là mong muốn của tất cả giảng viên, sinh viên, học viên cũng như các cán bộ đang làm việc tại thư viện Học viện toà án. Thời gian tới, để có được một thư viện điện tử hoạt động có hiệu quả, phát huy được thế mạnh thông tin đặc thù của mình, thì rất cần có kế hoạch sát thực, lựa chọn bước đi phù hợp trong từng thời điểm, từ việc tạo lập Kho tư liệu số hoá là nhiệm vụ hàng đầu, đến đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và con người./.