LỜI NÓI ĐẦU
Cuốn Sổ tay Thẩm phán đầu tiên của ngành Tòa án Việt Nam được xuất bản năm 2006 với sự hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Ô-xtơ-rây-lia thông qua Cơ quan phát triển quốc tế Ô-xtơ-rây-lia (AusAID). Cuốn Sổ tay Thẩm phán này đã phát huy hiệu quả trong việc trợ giúp các Thẩm phán trong công tác xét xử hàng ngày.
Trong những năm qua, Sổ tay Thẩm phán là tài liệu tham khảo thường xuyên của các Thẩm phán và đã góp phần nâng cao kỹ năng xét xử của các Thẩm phán, đặc biệt là các Thẩm phán mới được bổ nhiệm. Mặc dù đã có sự nỗ lực cao của các tác giả khi lần đầu tiên xây dựng cuốn Sổ tay Thẩm phán, song cuốn Sổ tay vẫn còn một số điểm chưa được hợp lý, một số lĩnh vực chưa được đề cập đến nên hiệu quả của cuốn Sổ tay vẫn còn bị hạn chế. Bên cạnh đó, trong thời gian qua có nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và có những văn bản quy phạm pháp luật rất quan trọng trong hoạt động xét xử tại Tòa án. Mặt khác, trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) từ ngày 11 tháng 01 năm 2007 và trở thành thành viên của nhiều Công ước, điều ước quốc tế song phương và đa phương, do vậy việc nâng cao năng lực xét xử của các Thẩm phán là việc làm cần thiết.
Với các lý do trên đây, việc sửa đổi, bổ sung cuốn Sổ tay Thẩm phán là hết sức cần thiết và là một trong những phương thức để thực hiện việc nâng cao năng lực xét xử của các Thẩm phán.
Nhận thức được tầm quan trọng của cuốn Sổ tay Thẩm phán, năm 2008, Tòa án nhân dân tối cao và nhóm chuyên gia quốc tế đã tiến hành khảo sát ý kiến của các thẩm phán trên phạm vi cả nước về mức độ tiện dụng của cuốn Sổ tay và khả năng, phương thức sửa đổi, bổ sung cuốn Sổ tay này. Việc lấy ý kiến góp ý đã được thực hiện dưới ba hình thức: i) lấy ý kiến trực tiếp; ii) gửi bản câu hỏi góp ý; iii) tổ chức hội thảo lấy ý kiến. Đa số các ý kiến góp ý đều cho rằng cuốn Sổ tay Thẩm phán cần phải được cập nhật, sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện thêm một bước.
Được sự hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Ô-xtơ-rây- lia, Tòa án nhân dân tối cao đã Hợp tác cùng Tòa án liên bang Ô-xtơ-rây- lia tổ chức thực hiện Dự án Cập nhật Sổ tay Thẩm phán. Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì và mời các Thẩm phán có kinh nghiệm trong các lĩnh vực xét xử để tiến hành sửa đổi, bổ sung nội dung của cuốn Sổ tay Thẩm phán, đồng thời cập nhật những văn bản quy phạm pháp luật liên quan được ban hành từ năm 2006 đến nay. Tuy nhiên, Sổ tay Thẩm phán không phải là tuyển tập các luật hoặc bộ luật để Thẩm phán sử dụng một cách trực tiếp, mà chỉ đưa ra những thông tin chỉ dẫn để Thẩm phán vận dụng nhằm giải quyết tốt các vụ án cụ thể; do vậy, cuốn Sổ tay sẽ không liệt kê tất cả các văn bản quy phạm pháp luật hay chỉ ra cách giải quyết từng vụ án cụ thể.
Nội dung của Sổ tay Thẩm phán được xuất bản lần này vẫn giữ nguyên cách trình bày như đã sử dụng trong cuốn Sổ tay Thẩm phán được phát hành lần đầu tiên và vẫn bao gồm những bình luận, hướng dẫn về lý luận và kỹ năng thực tiễn cho việc giải quyết các loại vụ án tại Toà án. Trong lần xuất bản này, nội dung của năm phần trong cuốn Sổ tay Thẩm phán được xuất bản lần đầu tiên đã được cập nhật và bổ sung thêm Phần thứ Sáu về thủ tục bắt giữ tàu biển.
Sổ tay Thẩm phán được sửa đổi, bổ sung lần này với mong muốn tiếp tục cung cấp cho Thẩm phán những kỹ năng xét xử đã được cập nhật theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành. Điều này sẽ rất có ý nghĩa đối với các Thẩm phán, nhất là các Thẩm phán mới được bổ nhiệm trong quá trình công tác và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của mình. Ngoài ra, Sổ tay Thẩm phán còn là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng cho những người tiến hành tố tụng (nói chung), giáo viên, sinh viên luật.... Đây cũng là tài liệu giúp cho những người tham gia tố tụng hiểu biết sâu hơn về thủ tục tố tụng tại Toà án và giúp cho việc tiến hành các thủ tục thuận lợi hơn. Sổ tay Thẩm phán sẽ tiếp tục là tài liệu cơ bản giúp cho công chúng hiểu cụ thể hơn về hoạt động của Toà án và dễ dàng tiếp cận Tòa án hơn.
Với tính chất, mục đích và ý nghĩa hết sức quan trọng như vậy, Toà án nhân dân tối cao, đặc biệt là các tác giả và Ban biên tập, đã nỗ lực rất lớn để sửa đổi, bổ sung cuốn Sổ tay này. Việc sửa đổi, bổ sung cuốn Sổ tay Thẩm phán lần này đã được hoàn thành với sự hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Ô-xtơ-rây- lia thông qua Cơ quan phát triển Quốc tế Ô-xtơ-rây- lia (AusAID), Tòa án liên bang Ô-xtơ-rây- lia, Đại sứ quán Ô- xtơ- rây- lia tại Việt Nam, đặc biệt là những nỗ lực của nhóm chuyên gia quốc tế Ô-xtơ-rây-lia, Ngài Michael Moore, Thẩm phán Tòa án Liên bang Ô-xtơ-rây-lia, Bà Cate Sumner, Ông Nguyễn Kiên Cường, Luật sư, Hãng luật Maddocks, Melbourne.
Hy vọng Sổ tay Thẩm phán sẽ đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng, đặc biệt là các Thẩm phán. Với mong muốn như vậy, Toà án nhân tối cao rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp cho Sổ tay Thẩm phán để chúng tôi tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện cho những lần xuất bản tiếp theo.
Chánh án Toà án nhân dân tối cao
Trương Hòa Bình
LỜI GIỚI THIỆU VỀ SỔ TAY THẨM PHÁN
CỦA NGÀI ALLASTER COX, ĐẠI SỨ Ô-xtơ-rây- lia TẠI VIỆT NAM
Tôi rất vui mừng thấy rằng với sự cộng tác của Toà án nhân dân tối cao Việt Nam, Ô-xtơ-rây-lia đã có thể tiếp tục hỗ trợ việc sửa đổi, bổ sung cuốn Sổ tay thẩm phán chính thức đầu tiên của ngành Toà án Việt Nam.
Việc Chính phủ Ô-xtơ-rây-lia tiếp tục hỗ trợ Sổ tay thẩm phán thông qua Cơ quan phát triển quốc tế Ô-xtơ-rây-lia (AusAID) phản ánh cam kết của Ô-xtơ-rây-lia giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực quản lý nhà nước và tăng cường nhà nước pháp quyền trong phạm vi toàn quốc.
Sổ tay thẩm phán đóng góp vào quá trình này bằng việc cung cấp nguồn tiếp cận đến các văn bản, thông tin và các thông tin pháp lý quan trọng khác mà các thẩm phán và những người làm công tác pháp luật có thể sử dụng, và qua đó họ có thể tiếp cận công việc của mình với sự hiểu biết chắc chắn và hoàn chỉnh về luật pháp. Đây là nền tảng vững chắc để một hệ thống toà án minh bạch, công bằng và hiệu quả có thể tiếp tục phát triển, và đó là những điều kiện tiên quyết then chốt của sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững.
Khi mà cuốn Sổ tay thẩm phán đầu tiên vẫn được công nhận rộng rãi là một nguồn tài liệu quan trọng cho các thẩm phán và những người làm công tác pháp luật thi điều quan trọng không kém phần quan trọng là cuốn Sổ tay thẩm phán này phải luôn được cập nhật. Đó chính là mục tiêu mà dự án sửa đổi Sổ tay thẩm phán này đã đạt được; không chỉ đưa vào những văn bản pháp luật đã được sửa đổi từ năm 2006, Sổ tay thẩm phán sửa đổi cũng chứa đựng nhiều văn bản pháp lý và các giải thích hữu ích khác được xây dựng nhằm tối đa hoá các lợi ích sử dụng của nó.
Mất gần hai năm để hoàn thành dự án sửa đổi Sổ tay thẩm phán. Một số chuyên gia Việt Nam và Ô-xtơ-rây-lia đã tham gia quá trình sửa đổi. Nhóm tác giả Sổ tay thẩm phán Việt Nam do Tiến sỹ Đặng Quang Phương, Phó Chánh án Thường trực Toà án nhân dân tối cao Việt Nam - người đã nhìn thấy trước sự thành công của Sổ tay thẩm phán đầu tiên – lãnh đạo. Cam kết của Tiến sỹ Phương bảo đảm rằng phiên bản sửa đổi cũng sẽ thành công tương tự.
Điều đặc biệt quan trọng là nhóm tác giả sửa đổi Sổ tay thẩm phán là các thẩm phán cao cấp và các chuyên gia pháp lý rất nhiều kinh nghiệm của ngành Toà án Việt Nam. Chính những thẩm phán là người hiểu biết rõ nhất về nhu cầu của họ và về kiến thức cần thiết trong tố tụng tại toà án. Tôi đặc biệt cảm ơn những người đã tham gia vào quá trình soạn thảo.
Sự tham gia của phía Ô-xtơ-rây-lia là dưới hình thức hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp ngân sách (600.000 đô la Mỹ). Phía Ô-xtơ-rây-lia đã đặc biệt may mắn có được Toà án Liên bang Ô-xtơ-rây-lia tham gia, đặc biệt là Ngài Thẩm phán Micheal Moore đã dẫn dắt quá trình sửa đổi. Tôi xin chân thành cảm ơn các chuyên gia Ô-xtơ-rây-lia và Việt Nam đã làm việc với Toà án Liên bang: Bà Cate Sumner và ông Nguyễn Kiên Cường, luật sư, Hãng luật Maddocks tại Melbourne.
Tôi hy vọng rằng các thẩm phán Việt Nam sẽ tìm thấy tại cuốn Sổ tay thẩm phán nguồn trợ giúp lớn trong việc thực hiện các nhiệm vụ hàng ngày của họ tại Toà án. Tôi cũng hy vọng rằng cuốn Sổ tay thẩm phán sẽ hữu ích cho các học viên thẩm phán, luật sư, sinh viên luật và những người khác quan tâm đến việc tìm hiểu luật pháp và hệ thống pháp luật Việt Nam.
LỜI CẢM ƠN
Toà án Liên bang Ô-xtơ-rây- lia rất hân hạnh trợ giúp Dự án sửa đổi Sổ tay thẩm phán dưới sự lãnh đạo của Ngài Chánh án Toà án nhân dân tối cao Trương Hoà Bình và Ngài Phó Chánh án Thường trực Đặng Quang Phương. Lần sửa đổi, bổ sung này là phần việc kế tiếp sau việc công bố cuốn Sổ tay thẩm phán đầu tiên của ngành Toà án Việt Nam vào năm 2006. Sáu nghìn bản in cuốn Sổ tay thẩm phán và một nghìn đĩa CD-ROM Sổ tay thẩm phán đã được xuất bản và phân phát cho các thẩm phán, cơ quan đào tạo tư pháp, trường đại học, trung tâm trợ giúp pháp lý, chi hội luật gia và viện kiểm sát trên toàn quốc.
Để đảm bảo một số lượng độc giả lớn nhất có thể tiếp cận được Sổ tay thẩm phán, Sổ tay thẩm phán cũng được xuất bản trên Internet [http://www.sotaythamphan.gov.vn], và sau này, tại trang chủ của Viện Thông tin Pháp lý Châu Á [http://www.asianlii.org/vn/other/benchbk/].
Sau khi cuốn Sổ tay thẩm phán được công bố, đã có hàng loạt những thay đổi trong lĩnh vực lập pháp và những thay đổi pháp luật khác cần phải được chuyển tải đến thẩm phán và những người làm công tác pháp luật. Nhận thức rằng Sổ tay thẩm phán là một nguồn thông tin pháp lý thực tiễn chuyên ngành cực kỳ hữu ích, Toà án nhân dân tối cao đã bày tỏ mong muốn sửa đổi, bổ sung cuốn Sổ tay thẩm phán để cập nhật những thay đổi về pháp luật nói trên. Vì Sổ tay thẩm phán lần đầu tiên được đưa ra tại Việt Nam, với sự giúp đỡ của Toà án nhân dân tối cao, Nhóm chuyên gia Dự án bao gồm Thẩm phán Michael Moore, Toà án Liên bang Ô-xtơ-rây-lia, bà Cate Sumner và ông Nguyễn Kiên Cường, Luật sư Hãng luật Maddocks, đã thiết kế và tiến hành hàng loạt các đánh giá để thu thập ý kiến phản hồi từ các thẩm phán và những người khác nhằm đánh giá xem việc sửa đổi, bổ sung các chương hiện tại của Sổ tay thẩm phán có hữu ích và cần thiết hay không.
Năm 2007, Cơ quan phát triển quốc tế Ô-xtơ-rây-lia đã hỗ trợ Dự án sửa đổi Sổ tay thẩm phán Việt Nam, tiếp theo những trợ giúp xây dựng Sổ tay thẩm phán gốc từ năm 2004 đến năm 2006 trước đây.
Trong hai năm vừa qua, Toà án Liên bang Ô-xtơ-rây-lia đã may mắn được cộng tác với một nhóm các thẩm phán và chuyên gia pháp luật Việt Nam tài năng và tận tâm trong việc sửa đổi Sổ tay thẩm phán. Tất cả những sửa đổi trong cuốn Sổ tay thẩm phán này đều được viết bởi các thẩm phán và chuyên gia luật phát Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình, bao gồm: Thẩm phán Phan Gia Quí, Thẩm phán Nguyễn Hoàng Đạt, Thẩm phán Đặng Xuân Đào, Thẩm phán Hoàng Thị Bắc, Thẩm phán Mai Bộ, và ông Ngô Cường, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Toà án nhân dân tối cao. Tiến sỹ Đặng Quang Phương và ông Ngô Cường thực hiện một nhiệm vụ quan trọng là biên tập lại tất cả các chương sửa đổi. Sổ tay thẩm phán sửa đổi được xây dựng trên cơ sở một khối lượng công việc đáng kể của các tác giả cuốn Sổ tay thẩm phán đầu tiên được công bố vào năm 2006, cũng như của những người khác đã giúp đỡ xây dựng cuốn sổ tay này.
Bà Cate Sumner, chuyên gia quốc tế cùng ông Nguyễn Kiên Cường, chuyên gia kiêm điều phối viên quốc gia của Dự án, đóng những vai trò rất quan trọng trong Dự án này. Dự án này đồng thời cũng được hỗ trợ chung bởi bà Helen Burrow, Giám đốc chương trình quốc tế của Tòa án liên bang Ô-xtơ-rây-lia, cô Dananthi Galapitage và sau này là cô Hannah Clua-Saunders.
Nhằm đạt được các mục tiêu của Dự án, Dự án đã bắt đầu bằng việc đánh giá tổng thể cuốn Sổ tay thẩm phán. Mục đích của việc này là nhằm thu thập những ý kiến của các thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Toà án các tỉnh, huyện, Học viện Tư pháp, Hội luật gia trên toàn quốc, đặc biệt là tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, về hiệu quả của cuốn Sổ tay thẩm phán và những vấn đề cần được xem xét trong khuôn khổ Dự án nhằm hoàn thiện nội dung Sổ tay thẩm phán và quá trình cập nhật.
Việc đánh giá hiệu quả của cuốn Sổ tay thẩm phán đã được tiến hành bằng việc Nhóm chuyên gia Dự án nghiên cứu 638 bản trả lời phiếu điều tra, tổ chức 24 cuộc phỏng vấn trực tiếp các thẩm phán tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức 2 cuộc hội thảo lấy ý kiến các thẩm phán tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Phiếu điều tra, kết quả phỏng vấn và hội thảo đã vô cùng hữu ích trong việc cung cấp cho các tác giả và biên tập viên những thông tin, quan điểm cần đưa vào cuốn Sổ tay thẩm phán được sửa đổi, bổ sung lần này.
Tháng 9 năm 2009, Toà án nhân dân tối cao và Nhóm chuyên gia Dự án sẽ tổ chức hai cuộc hội thảo đào tạo giảng viên tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội nhằm xây dựng năng lực cho đội ngũ 70-80 giảng viên của Trường cán bộ toà án, Toà án nhân dân tối cao và các trung tâm đào tạo khác. Với nhiệm vụ cung cấp các khoá đào tạo mang tính chất giới thiệu và đào tạo thường xuyên cho cán bộ Việt Nam, dự tính rằng các cơ quan đào tạo tư pháp chủ chốt này có thể đưa Sổ tay thẩm phán điện tử vào giáo trình đào tạo tư pháp để giảng dậy trong tương lai. Toà án nhân dân tối cao sẽ tổ chức 22 hội thảo trong quí IV năm 2009 nhằm đào tạo sử dụng Sổ tay thẩm phán cho các thẩm phán đến từ 682 toà án quận, huyện và 63 Tòa án tỉnh.
Ngoài bản in Sổ tay thẩm phán, Dự án sẽ xuất bản 9.000 đĩa CD-ROM Sổ tay thẩm phán sửa đổi, và phiên bản Internet của Sổ tay thẩm phán sẽ được đưa vào cổng thông tin điện tử riêng của Toà án nhân dân tối cao [http://www.toaan.gov.vn]. Những phiên bản điện tử này cho phép Toà án nhân dân tối cao có thể cập nhật nhanh chóng, không tốn kém Sổ tay thẩm phán trực tuyến, và có thể gửi thư điện tử phần cập nhật cho các Toà án khác. Một trong những mục tiêu của Dự án này là trợ giúp Tòa án nhân dân tối cao xây dựng một trình tự cập nhật để đảm bảo rằng Sổ tay thẩm phán sẽ được cập nhật thường xuyên. Thẩm phán tại tất cả các Toà án tỉnh, cũng như tại các Toà án quận, huyện tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có thể truy cập internet qua máy tính được lắp đặt tại toà án của họ theo các chương trình tài trợ khác (chương trình này dự tính sẽ được mở rộng xuống các toà án cấp huyện trong những năm tới).
Có nhiều cá nhân đã tham gia vào việc sửa đổi, bổ sung Sổ tay thẩm phán lần nay. Tôi xin cảm ơn các cán bộ của Vụ hợp tác quốc tế, Toà án nhân dân tối cao, đặc biệt là ông Chu Trung Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế và ông Trần Ngọc Thành, chuyên viên Vụ hợp tác quốc tế. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn nhóm
công nghệ thông tin của Tòa án nhân dân tối cao, đặc biệt là ông Nguyễn Văn Thương, cảm ơn ông Nguyễn Văn Duyên và ông Lê Tiến đã dịch thuật rất tốt các phần sửa đổi; cảm ơn ông Lâm Chí Dũng - điều phối viên cuốn Sổ tay thẩm phán trực tuyến; cảm ơn ông Nguyễn Văn Sơn và ông Nguyễn Sỹ Sơn của Công ty Tinh Vân - những người đã chuyển thành công Sổ tay thẩm phán trực tuyến vào cổng thông tin điện tử của Toà án nhân dân tối cao; cảm ơn ông Nguyễn Quang Anh, Quản lý chương trình, AusAID, ông John Bently, cố vấn trưởng pháp luật của Dự án hỗ trợ thúc đẩy thương mại (STAR Vietnam), ông Nicholas Booth, Chương trình phát triển của Liên hợp quốc, bà Frances Gordon, Giám đốc và bà Bùi Thị Bích Liên, Phó Giám đốc Dự án phát triển tư pháp và sự tham gia của cơ sở (Dự án JUDGE) đã chia sẻ kinh nghiệm với chúng tôi. Xin đặc biệt cảm ơn dự án JUDGE đã hào phóng cho phép Nhóm Dự án sử dụng văn phòng và thiết bị của Dự án tại Hà Nội.
Thẩm phán Michael Moore
Toà án Liên bang Ô-xtơ-rây-lia
Tháng 9 năm 2009